22/8/10

Dựng đứng quả trứng- Tôi cũng làm được

Hôm nay (22-8), tình cờ đọc loạt bài viết về khả năng dựng đứng quả trứng của các nhà ngoại cảm trên Bee.net, mình rất tò mò và đã quyết định lấy trứng ra thử. Kết quả thật bất ngờ, với sự tập trung cao độ, chỉ mất khoảng vài chục giây ở lần thử đầu tiên mình đã dựng đứng được quả trứng trên chiếc đĩa sứ. Tiếp đó, mình đã thử dựng trứng trên mặt bàn kính, sau vài lần đổ thì cuối cùng cũng thành công. Khó nhất vẫn là dựng trứng trên mặt chiếc gương nghiêng 15 độ- như trình diễn của các nhà ngoại cảm, mình đã mất mấy phút và cũng phải mấy lần thử mới thành công... Phù, phù, để làm được những điều "phi thường này" chắc là mình tốn nhiều năng lượng lắm đây! Chà, chắc mình sắp trở thành nhà "ngoại cảm" rồi, nay mai Trung tâm tiềm năng con người có hỏi thăm mình thì các bạn cũng đừng lấy gì làm lạ nhé!!!


Dựng đứng trứng trên mặt gương (nghiêng khoảng 10 độ)




Dựng đứng quả trứng trên mặt đĩa sứ

18/5/10

“Từng người thầy bỏ giáo dục, ra đi...”



Ba người thầy, ba điểm xuất phát khác nhau, ba lối thoát cá nhân khác nhau… Nhưng vẫn còn đây hơn một triệu giáo viên, họ liệu có “lối thoát” ra khỏi con đường giáo dục đang nhiều bí bức, khủng hoảng và tụt hậu? Hay hàng ngày họ vẫn phải gồng mình vật lộn trong guồng máy tư duy giáo dục cũ kỹ, tiếp tục cho ra những sản phẩm giáo dục chất lượng thấp?

1. Vụ việc nữ sinh Trường PTCS Lê Lai (Q8- t/p Hồ Chí Minh) đánh hội đồng gây ầm ĩ trong xã hội, dẫn đến sự kiện thầy Ngô Đức Bình, hiệu trưởng nhà trường đệ đơn từ chức, tôi thiết nghĩ, thầy cũng đã rất đau khổ, dằn vặt. Vì ở cương vị người quản lý giáo dục cơ sở, một người có chức năng tổ chức kiến tạo kiến thức, đạo đức cho công dân tương lai, bắt buộc từ bỏ mục đích cao cả của nghề, có gì buồn và đau hơn thế? Cho dù thầy viện dẫn lý do cá nhân- sức khỏe của mình.


Thầy Ngô Đức Bình. Ảnh: VNN
Trước quyết định ra đi của thầy, ai trong hoàn cảnh ấy mà không cảm thấy nỗi cô đơn. Bởi họ- những người chở đạo học, dường như đã không còn cảm thấy được sự "tôn sư trọng đạo" của xã hội, không cảm nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền. Thậm chí vì lòng nhiệt tình với nghề mà từng bị thân nhân của học sinh xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm.
Người thầy, trong sự dồn nén nhiều tâm trạng, và "lực bất tòng tâm" chỉ có thể phản ứng yếu ớt bằng cách xa rời môi trường từng gắn bó biết bao buồn vui của đời mình. Đó thực là một nốt trầm lặng lẽ trong bản giao hưởng buồn của ngành giáo dục đương đại Việt Nam.

Tôi chia sẻ với thầy Bình. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều bậc phụ huynh học sinh, hay các đồng nghiệp trong ngành của thầy cũng cảm thấy thế. Xin từ chức, về hưu, có lẽ đó là lối thoát riêng khả dĩ cho thầy. Nhưng còn đồng nghiệp, các em học sinh của thầy thì sao? Lối thoát nào đây?

Đã hàng chục năm nay, những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam, đều không khỏi hoang mang, thậm chí chán nản, bất bình, vì sự xuống cấp của chất lượng giáo dục. Nhưng hầu như chúng ta biết mà vẫn cam chịu không lối thoát, vẫn "sống chung cùng lũ".


GS Hoàng Tụy. Ảnh: VNN
2. Nếu ở trường hợp thầy Bình, ta mới chỉ thấy được sự "phản ứng" đầy bất lực của một người thầy ở cơ sở thì ở một trường hợp khác, ở những con người thuộc lớp trí thức lớn như thầy Hoàng Tụy, sự "phản ứng', sự từ bỏ những mục đích cao cả của nghề lại diễn ra kiểu khác.
GS Hoàng Tụy với tầm tư duy nhìn xa, trông rộng đã nhận ra sự tụt hậu và bế tắc của ngành GD và ĐT ở góc độ vĩ mô, những khiếm khuyết, khuyết tật của một nền giáo dục chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của quá khứ- một nền giáo dục "hư học"- chữ ông từng dùng. Một nền giáo dục vừa xơ cứng về tư duy, vừa nặng nề về nội dung, chương trình, vừa lạc hậu về phương pháp.

Ông đã có nhiều đề xuất, giải pháp để giải cứu. Ông kêu gọi chấn hưng nền giáo dục nước nhà, coi như một mệnh lệnh khẩn thiết của cuộc sống.

Nhưng đáng tiếc, những ý kiến đóng góp tâm huyết của ông và nhiều trí thức nữa luôn rơi vào khoảng trống im lặng. Để rồi cuối cùng, năm vừa qua, ông có lá thư ngỏ buồn bã thừa nhận thất bại của mình, chấp nhận lặng lẽ "rút lui" vào tuổi già, khi mà tư duy giáo dục của ông chưa hề cỗi. Ông vẫn ở ngành giáo dục, nhưng sự im lặng của ông có khác gì một sự từ bỏ?

3. Rồi mới đây thầy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD và ĐT cũng đã bàn giao nhiệm vụ quản lý giáo dục để trở thành nhà chính trị chuyên nghiệp. Tôi vốn đánh giá cao thầy Nguyễn Thiện Nhân khi thầy từ t/p HCM ra nhận trách nhiệm cao nhất của ngành.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VNN

Nhưng tôi thực sự hoài nghi những phong trào giáo dục, những cuộc vận động với cách làm xưa cũ, như từ những năm 70-80 của thầy. Cỗ máy GD và ĐT thì cổ hủ, quan liêu, xơ cứng...Ngành GD-ĐT vẫn đi theo lối mòn vốn có.
Thầy mới vén bức màn giáo dục lên một chút, đã thấy bao khối trầm tích lưu cữu tồn đọng. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học...đâu đâu cũng có những mớ rối bòng bong, và không biết gỡ ra từ đâu, bằng cách nào?.

Có thể thầy Nguyễn Thiện Nhân sẽ còn đi xa hơn hơn trên con đường quan lộ hanh thông của mình. Thế nhưng bây giờ rời Bộ GD và ĐT, có nghĩa là thầy cũng đến lúc phải nói lời chia tay. Cương vị mới, nhiệm vụ mới của nhà chính trị Nguyễn Thiện Nhân có thể vĩ mô hơn, nhưng tôi nghĩ ông cũng không thể nào thanh thản hơn khi nghĩ về những kỳ vọng của người dân như tôi, từng gửi gắm nhiều vào nhiệm kỳ GD và ĐT do ông làm Bộ trưởng.

Ba người thầy, ba điểm xuất phát khác nhau, ba lối thoát cá nhân khác nhau. Nhưng cả ba đều lần lượt rời bỏ mục đích cao cả của người thầy, với những lý do cá nhân hoặc lý do trách nhiệm chung.

Nhưng vẫn còn đây hơn một triệu giáo viên, họ liệu có "lối thoát" ra khỏi con đường giáo dục đang nhiều bí bức, khủng hoảng và tụt hậu? Hay hàng ngày họ vẫn phải gồng mình vật lộn trong guồng máy tư duy và hệ thống giáo dục xơ cứng, cũ kỹ, bảo thủ, tiếp tục cho ra sản phẩm giáo dục chất lượng thấp?

(Tít bài mượn ý lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)





20/4/10

BT NGUYỄN THIỆN NHÂN THĂNG TIẾN HAY BỎ TRỐNG MÀ ...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thuyên chuyển công tác. Ông thôi không kiêm nhiệm chức Bộ trưởng và nghe đồn ông sẽ chuyển sang đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Có một thời mỗi lần mở Cổng điện tử Chính phủ, người đọc thường xuyên thấy hình ảnh ông xuất hiện ở vị trí trang trọng góc trái. Dân chuyên quan sát sát chính trường vỉa hè đồn rằng: Ông sắp kế nhiệm chức Thủ tướng cũng nên...


Ông Nguyễn Thiện Nhân đã ra đi, để lại sau ông hàng loạt những tuyên ngôn, tuyên bố, những chính sách đối với ngành giáo dục-đào tạo do ông khởi xướng rất chi là vang động y như trống hội khai trường. Chưa ai tổng kết được những chính sách, chủ trương liệu pháp có vẻ sốc mà ông đề ra đó cho đến lúc ra đi hiệu quả được bao nhiêu phần trăm? Do vậy, việc thuyên chuyển của ông dân vỉa hè có người thì đoán ông thăng tiến; có kẻ lại đoán ông rút sớm để tạo khoảng trống cho đám con cha, cháu ông có chỗ mà ngoi lên; cũng có người bảo ông Nguyễn Thiện Nhân " bỏ trống mà chạy lấy dùi "...


Ông tá hỏa chuyển đi vì thấy ngành mà ông phụ trách ngày càng oánh nhau to: học trò oánh học trò, đến học trò gái cũng chơi nhau như xã hội đen; rồi thì học trò oánh thầy, thầy oánh học trò, thầy mua dâm học trò...linh tinh hết cả lên.
Chúc ông thượng lộ bình an và chân cứng đá mềm khi bước sang cương vị mới. Ở cương vị mới ông nên phát ít thôi, nhưng phát cái gì thì làm cho chắc cái đó rồi hẵng phát tiếp! Khi phát nhiều mà động không kịp thiên hạ lại cho là ông quen "đánh trống bỏ dùi"???


Vậy là, kể từ ngày 1.4.2010, ông Nguyễn Thiện Nhân không còn giữ trọng trách Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 6 năm 2006, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu một trong những Bộ quan trọng nhất của Chính phủ; ( Cũng là một trong những Bộ tiêu nhiều tiền nhất của Chính phủ ). Tháng 8 năm 2007 ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Bộ trưởng.

Ngay từ lúc nhậm chức Bộ trưởng, ông đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới".

Mở đầu năm học 2006 - 2007 ông thực hiện cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích" bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.

Năm 2007, ngành giáo dục Việt Nam chứng khiến nhiều vụ việc gây chú ý lớn trong dư luận xã hội với mức độ cao: vụ "hacker" Bùi Minh Trí tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vụ Huỳnh Thị Ngọc Trâm; các vụ chạy điểm thành tích bị bóc trần và xử lý nghiêm khắc, thậm chí tiêu cực còn lan đến tận Bộ và tới cả các cán bộ cấp cao...

Năm học 2007 - 2008 ông đưa ra chủ trương "năm không" gồm: "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp" (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội"; đẩy mạnh công cuộc "xã hội hóa giáo dục" nhằm "Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo".

Cuối tháng 12 năm 2007, ông đề xuất một ý kiến: "ghi số tiền sinh viên vay nợ trên bằng tốt nghiệp"; ý kiến mà ông nói rằng chỉ là "gợi ý" nhưng dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt, gồm rất nhiều các nhân vật có uy tính ở nhiều ngành nghề vì: "tính chất của bằng tốt nghiệp không liên quan gì đến vay nợ". Nhưng ông tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình: "Vay tiền, mà vay nhà nước để ăn học, tại sao lại là một việc đáng xấu hổ?".

Đầu năm 2008, ông đệ trình chính phủ về việc tăng học phí cho giáo dục bậc đại học, tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học. Ngoài ra, ông còn nhắc lại một lần nữa về công tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học; điều mà ông đã đề cập khi mới nhận chức.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008 đã diễn ra thành công với kết quả đỗ cao hơn năm trước: tỷ lệ đỗ khoảng 76%.

Năm 2006, nhân vụ tấn công trang chủ của Bộ Giáo dục do học sinh Bùi Minh Trí thực hiện, ông có viết một lá thư có nhan đề "Nỗi đau của tôi trong ngày 20-11-2006" trong đó không hiểu vì lý do gì ông được biết vụ tấn công của Trí vào trưa ngày 20 tháng 11 trong khi thực tế vụ tấn công của Trí diễn ra 1 tuần sau đó, vào ngày 27 tháng 11.

Năm 2007, ông lại vướng vào một vụ tai tiếng nhỏ khác cũng vì phát biểu lỡ lời, trong một buổi phỏng vấn với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, ông phát biểu: "Học phí chắc chắn sẽ phải tăng, có thể phải chấp nhận cả việc số người đi học sẽ giảm vì tăng học phí!" dù Bộ đã tuyên bố nhiều lần: "..sẽ không để ai phải nghỉ học vì học phí..". Vụ việc đã gây nên dư luận khiến ông phải viết một bức thư nói rằng SGGP đã hiểu sai ý ông, nhưng tới nay vẫn không thấy Sài Gòn Giải Phóng gỡ bài báo này đi hay đính chính gì.

Khi mới nhậm chức Bộ trưởng, ông đã đem lại biết bao hi vọng cho giáo giới khi thấu hiểu cuộc sống cơ cực của họ rằng, xoá bỏ Tại chức là đập vỡ niêu cơm của rất nhiều giảng viên, rằng từ 2010 giáo viên sẽ sống được bằng nghề, rằng, nếu không đưa được nền Giáo dục nước nhà đi lên, ông sẽ không làm Bộ trưởng...
Nay đã sang quý II năm 2010, nhiều giáo viên cắn răng lấy tinh thần yêu nghề cầm cự chờ đến 2010 của ông. Ba tháng đầu năm, giá cả leo thang, đời sống nhân dân nói chung, những người cầm phấn nói riêng khó khăn, thiếu thốn trăm bề... Cục trưởng cục quản lí giá Bộ Tài chính thì mải đi đóng phim bên Trung Quốc, vậy mà Bộ trưởng Nhân lại đành lòng dứt áo ra đi.

Nhưng Bộ trưởng là người trọng khí tiết, nói là làm. Nền Giáo dục nước nhà sau bốn năm được ngài cầm cương khe khẽ hát câu "em vẫn như ngày xưa". Ông không làm Bộ trưởng nữa thật. Ông làm Phó thủ tướng.

Nguồn: http://nvt.vnweblogs.com/post/16234/224095