10/5/09

Những điều luật kỳ quặc ở một số nước trên thế giới

Tại Mỹ:
Ở Miami (Florida) đàn ông chỉ được mặc quần có dây đeo, đàn ông Missouri không được cạo râu nếu chưa xin phép cảnh sát. Hôn phụ nữ đang ngủ, kể cả vợ mình, có thể bị tù ở Logan County (Colorado).
Nước Mỹ có hàng nghìn điều luật từ thuở xa xưa còn tồn tại trên mặt giấy bởi vì không ai dùng đến chúng nhưng cũng quên không xóa bỏ, thỉnh thoảng gây không ít phiền toái cho ngành hành pháp.

Đa số các luật về đạo đức không được cập nhật nhanh chóng với thời đại, vì khi người ta ban hành thì nước Mỹ chưa có hình dạng như hôm nay. Chẳng hạn bang Arkansas vẫn không cho phép tán tỉnh nơi công cộng hoặc ở Arizona chỉ đàn ông mới được mặc quần. Vì nhiều lý do khác nhau, những điều luật kiểu ấy không được bãi bỏ, tuy cũng chẳng ai dùng đến, nhưng chừng nào chúng vẫn còn hiệu lực về mặt lý thuyết thì đây đó vẫn xảy ra lắm chuyện cười ra nước mắt.

Hồi năm 1999, một du khách đi chơi bằng thuyền độc mộc ở Michigan và vụng về ngã xuống nước lạnh băng, ông này chửi toáng lên vì bực mình, tất nhiên không biết là từ năm 1898 ở Michigan có luật cấm văng tục nơi công cộng. Kết quả: phạt tiền 75 dollar và 3 ngày lao động công ích. Qua bao lần chống án tốn kém, đến tận năm 2003 phiên giám đốc thẩm mới tuyên trắng án cho bị can, đồng thời xóa điều luật nói trên.

Ở Bắc Carolina mới đây cũng có một phụ nữ bị lôi ra tòa vì sống chung với bạn trai mà chưa chịu cưới xin tử tế. Chuyện này thời nay có lẽ chẳng ai để ý, nhưng rủi thay cô ta lại đang làm việc cho cảnh sát và ông chủ tình cờ tìm ra một điều luật có từ năm 1805 nghiêm cấm chung sống không giá thú. Khi ra tòa, cô mới hay rằng từ cuối thập kỷ 1990 đã có 7 trường hợp tương tự bị truy tố, không những ở Bắc Carolina mà còn ở 6 bang khác.

Trên Internet có hẳn một trang về những chuyện khó tin như vậy. Kentucky có lẽ là bang ưa sạch sẽ: Mỗi người trong năm phải tắm tối thiểu một lần. Ở West Virginia cấm nấu bắp cải vì sinh mùi hôi. Luật San Francisco (bang California) cấm lấy quần áo cũ làm giẻ lau ô tô. Ai thích đi bơi thì chớ nên vui vẻ hát hò ở bãi biển Florida. Tất nhiên không cấm hát và cũng không cấm mặc đồ bơi, nhưng ở Florida không được làm hai chuyện cùng lúc.

Vermont còn cấm người nào đang lặn mà lại huýt sáo! Bang Kansas bảo vệ những người mặc sơ mi sọc bằng cách cấm... phóng dao vào họ. Khi có chuyện xích mích giữa chủ nhà và người thuê nhà, luật Rumford (Maine) khuyên người ta không nên... cắn nhau.

Kentucky chú trọng đến hạnh phúc của phụ nữ hơn cả. Đàn bà ở đây bị cấm cưới một người đàn ông quá 3 lần. Không biết đã có ai ngốc nghếch định vi phạm luật này chưa? Cũng ở bang này, ai đi ôtô trên đường cao tốc phải nhường đường cho... chim. Tất nhiên súc vật cũng cần được bảo vệ, song kỷ lục về vi phạm đời tư của chúng có lẽ được lập ra ở Fairbanks (Alaska). Ở đây cấm tuần lộc giải quyết nhu cầu giữ gìn nòi giống trên các tuyến đường giao thông. Thậm chí người ta còn có những biển hiệu để thể hiện lệnh cấm này.
Tại Anh:

Theo một điều luật về thuế năm 2006 của Anh, sẽ là bất hợp pháp nếu như bạn không nói cho nhân viên của sở thuế vụ biết những thứ mà bạn không muốn anh ta biết, mặc dù bạn không buộc phải nói với nhân viên này những gì mà bạn không muốn anh ta biết.


Một người phụ nữ đang mang thai có thể "giải quyết nỗi buồn" ở bất kỳ nơi đâu mà người đó muốn - thậm chí là trong chiếc mũ của một viên cảnh sát, nếu như người đó đề nghị!?.

Cấm công dân Anh không được treo giường ra ngoài cửa sổ.

Con trai dưới 10 tuổi không được phép ngắm nhìn ma-nơ-canh không mặc quần áo (thậm chí liếc nhìn cũng không).

Các quý bà quý co không được ăn chocolate trên phương tiện giao thông công cộng.

Nếu nắm trong tay cung tên gắn lông chim, bạn có thể nhắm bắn bất cứ gã trai xứ Wales nào đang đi lang thang trong nhà thờ Close ở Hereford. Nhưng chỉ được phép trong ngày Chủ nhật.

Vào ngày Giáng sinh, chỉ cần “nhỡ miệng” cắn một miếng bánh nhân thịt - thế là đã phạm luật.

Rạng sáng ngày 25 tháng 12, trong khi tất cả các ông già Noel trên thế giới đã về nhà nghỉ ngơi thì đó mới là lúc ông già Noel ở Anh mới được phép đi phát quà.

Tại London, nếu ai đó bị bệnh truyền nhiễm mà vẫy xe taxi sẽ bị coi là phạm tội.

Theo một qui định có từ thế kỷ 13, các nghị sĩ không có quyền chết trong lâu đài Westminster và nếu điều này xảy ra thì thi hài phải được lập tức chuyển ra bên ngoài trước khi có giấy báo tử.

Vào cuối thế kỷ 17, ban hành một đạo luật mang tên "Ấm mà ngộp", bắt buộc mọi xác chết được chôn trong tấm liệm bằng len. Sắc lệnh này thực chất là giải pháp hỗ trợ cho việc kinh doanh len quốc nội. Luật này tồn tại 148 năm, mãi cho đến năm 1814 mới bị hủy bỏ.

Bất cứ ai bị bắt quả tang bóc vỏ trứng luộc từ phía đầu nhỏ hơn sẽ bị phạt 24 giờ đồng hồ ngồi ăn năn trong kho chứa của làng (đạo luật do Vua Edward VI ban hành).

Vào thời Nữ hoàng Elizabeth I trị vì nước Anh, bà đã ban hành một đạo luật hết sức kỳ quái rằng người phụ nữ nào quyến rũ đàn ông dẫn đến việc kết hôn thông qua sử dụng tóc giả, son phấn để ngụy trang những khiếm khuyết của cơ thể sẽ bị kết tội dùng ma thuật và xử phạt rất nặng.

Rồi cũng vào thời Nữ hoàng Elizabeth I trị vì nước Anh đã ban ra luật bắt buộc mọi người phải đội nón khi ra đường và chó thì không được đội bất cứ thứ gì trên đầu.

Tàu của Hải quân Hoàng gia khi đi vào cảng London sẽ phải đưa một cái trống cho Đốc quân của Tháp London.

Còn theo qui định của Thư viện Hoàng gia năm 1898, các nghị sĩ lại có quyền ăn uống, bài bạc thoải mái ngay tại Thư viện Hoàng gia trong khi một người bình thường sẽ bị phạt rất nặng nếu có hành động tương tự.

Một số điều luật cổ khác vẫn chưa bị bãi bỏ dù xa lạ và khó hiểu trong đời sống hiện nay như cấm trượt băng, cấm thả diều, cấm thắp sáng hoặc làm tắt "bất hợp pháp" các ngọn đèn đường...
Ở một số nơi khác:

Ở Indonesia, hình phạt cho người thủ dâm là… chém đầu!

Ở Milan, Italia vẫn tồn tại một điều luật buộc các công dân phải cười vào mọi lúc nếu không muốn bị phạt nặng. Tất nhiên, điều luật này loại trừ trường hợp mọi người đến bệnh viện hoặc đi dự lễ tang.

Ở Pháp, cho dù chú lợn cưng của bạn có thông minh, tài giỏi và bạn có yêu quý nó đến mấy, bạn cũng đừng gọi nó là Napoleon, nếu không bạn sẽ bị cảnh sát viếng thăm bất cứ lúc nào.

Ở Victoria- Australia, chỉ có những thợ điện có giấy phép hành nghề mới được thay... bóng đèn.

Cũng ở Victoria- Australia, người ta không được phép mặc quần lót màu hồng sau 12 giờ trưa ngày chủ nhật.

Tại Malaysia, khiêu vũ trên mu rùa là có tội.

Phụ nữ có thai trên đảo Madagascar (châu Phi) bị xem là phạm luật nếu họ đội nón hay ăn thịt lươn.

Tại Kenya có một đạo luật nêu rõ: bất kỳ người nước ngoài nào bị bắt quả tang trần truồng chạy trên máy bay sẽ bị trục xuất khỏi nơi này bằng chuyến bay kế tiếp và kẻ bị trục xuất bắt buộc phải người trần như nhộng. Kẻ vi phạm chỉ có một ưu tiên là khỏi phải xếp hàng để đi qua máy dò kim loại.

Tại bộ lạc da đỏ Malagasay, người con trai cao hơn bố đẻ là phạm luật và hình phạt là tiền hay một con bò.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 16-17, bất kỳ ai bị bắt quả tang uống cà phê sẽ bị hình phạt tử hình.

Cách đây nhiều năm, thị trưởng của ChanKan (Venezuela) đã ban hành lệnh cấm các cặp trai gái hôn nhau trong công viên. Từ khi có lệnh cấm, cảnh sát hoàn toàn có quyền cưỡng chế các cặp tình nhân hôn nhau trong công viên. Nếu trường hợp họ vẫn không chịu buông ra thì họ sẽ bị kết tội vi phạm luật đạo đức và phẩm hạnh. Luật lệ này của bà thị trưởng đã khiến cho nhiều người bất bình. Người dân cho rằng nụ hôn là biểu hiện của tình yêu và luật lệ hoàn toàn bị bãi bỏ khi ngày Bopeska lên nhận chức thị trưởng.

Cười là một việc bắt buộc trong những tập đoàn siêu thị hay bách hóa ở Mỹ và Đức. Theo nội quy, thì mọi nhân viên trong cửa hàng có trách nhiệm mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt khách hàng, đồng thời ngỏ ý sẵn sàng mang hàng hóa họ mua ra xe ô tô.

Phụ nữ Pakistan dưới đạo luật Hồi giáo Hudood họ có thể bị ném đá trước công chúng cho đến chết nếu như phạm tội ngoại tình...