29/4/09

Cách mạng khoa học kỹ thuật và Chủ nghĩa tư bản

Chủ nghĩa tư bản ra đời cách đây hơn 500 năm và đã có ít nhất ba lần thay đổi lớn. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ nhất nổ ra, chủ nghĩa tư bản nông nghiệp và thương nghiệp chuyển thành chủ nghĩa tư bản công nghiệp và tự do cạnh tranh. Cuối thế kỷ thứ XIX, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ hai xuất hiện, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền tư nhân. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào những năm 30 của thế kỷ XX và rõ nhất là sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chủ nghĩa tư bản độc quyền tư nhân đã chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Và như vậy chúng ta có thể thấy, lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ tách rời, độc lập với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của con người. Những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã trở thành điểm tựa, làm đòn bẩy cho sự phát triển của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, đưa chủ nghĩa tư bản tiến dần lên những nấc thang cao hơn, với những hình thức hoàn thiện hơn, thích ứng với những điều kiện sản xuất và xã hội do chính những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đem lại.
Việc tìm hiểu nội dung, cơ chế hoạt động của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và tác động của nó đến chủ nghĩa tư bản cũng như những bước thích ứng của chủ nghĩa tư bản qua mỗi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Việc nghiên cứu này không những giúp chúng ta lý giải được yếu tố có ý nghĩa then chốt đối với chủ nghĩa tư bản, mà còn cắt nghĩa được tại sao chủ nghĩa tư bản vẫn chưa bị tiêu vong (như hồi đầu thế kỷ XX Lênin dự đoán), trong khi đó nó còn phát triển rất mạnh mẽ đến tận ngày nay và khiến người ta cảm thấy sức sống của nó còn rất sung mãn, chưa biết đến bao giờ mới vơi cạn. Vì lẽ đó, tôi xin bàn đôi chút về vấn đề “Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và tác động của nó đến chủ nghĩa tư bản”.


I. Bàn về thuật ngữ “cách mạng khoa học kỹ thuật ” và các giai đoạn phát triển của nó.
“Cách mạng khoa học kỹ thuật” không phải là một thuật ngữ duy nhất , xung quanh nó, tùy theo từng mức độ mà người ta đưa ra những khái niệm khác nhau, như: “cách mạng công nghiệp”, “cách mạng khoa học kỹ thuật lần”, “cách mạng khoa học công nghệ”… Trong đó chúng ta thấy:
“Cách mạng công nghiệp” là thuật ngữ do F.Ăngghen đưa ra để chỉ quá trình lao động bằng máy móc chiến thắng lao động chân tay, quá trình hệ thống công xưởng thay thế các công trường thủ công. Cách mạng công nghiệp nổ ra trước tiên ở Anh từ những năm 60 của thế kỷ XVIII sau đó lan ra các nước Âu- Mỹ khác và kết thúc vào giữa thế kỷ XIX. Về thực chất, cách mạng công nghiệp chỉ đơn thuần là cuộc cách mạng về kỹ thuật lần I, chứ chưa phải là một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật theo đúng nghĩa của nó. Bởi ở cách mạng công nghiệp thì yếu tố khoa học chưa gắn liền với yếu tố kỹ thuật, những phát minh, cải tiến của nó chủ yếu đều do chính những người trực tiếp sản xuất phát minh ra do yêu cầu trực tiếp của sản xuất. Nhưng nhìn chung, người ta đều thống nhất gọi cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ Nhất.
Từ những thập niên cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đã nổ ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Hai. Ở cuộc cách mạng này thì yếu tố khoa học đã giữ mối liên hệ mật thiết với yếu tố kỹ thuật; những phát minh được các nhà khoa học, bác học tìm ra từ trong phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, sau đó mới được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Chính vì thế, cuộc cách mạng này đã mang đúng nghĩa là một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, và còn có tên gọi khác là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ Hai.
Từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay, thế giới bước vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ Ba. Trước đây, người ta cũng chỉ gọi đơn thuần cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật (lần III), với ý nghĩa là những công cụ, giải pháp, kiến thức được sử dụng trong sản xuất. Nhưng hiện nay thì hầu hết đều nhất trí gọi cuộc cách mạng kể từ sau Thế chiến II đến nay là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Trong đó, cách mạng khoa học và công nghệ là quá trình biến đổi những yếu tố chủ yếu trong lực lượng sản xuất của xã hội được thực hiện nhờ vào vai trò dẫn đường của khoa học trong chu trình khép kín: khoa học- công nghệ- sản xuất xã hội- con người- môi trường.
Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật dù diễn ra với những nội dung và mức độ khác nhau, nhưng chúng đều tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, làm thay đổi một cách nhanh chóng bộ mặt thế giới. Riêng với chủ nghĩa tư bản, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã tác động rất lớn đến quá trình xác lập cũng như phát triển của nó, đưa chủ nghĩa tư bản không ngừng tiến đến những nấc thang cao hơn.
II. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần I , II và tác động của nó đến chủ nghĩa tư bản.
1. Cuộc cách khoa học kỹ thuật lần I.
Cuộc cách mạng công nghiệp- hay cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất thực chất là một cuộc cách mạng về kỹ thuật. Cuộc cách này diễn ra trước hết ở nước Anh. Từ những năm 60 của thế kỷ XVIII thì cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu được khởi động ở Anh. Tiêu chí quan trọng nhất của cuộc cách mạng kỹ thuật lần này là máy móc thay thế công cụ thủ công. Cuộc cách mạng này diễn ra trước hết từ lĩnh vực công nghiệp nhẹ, trong ngành dệt sợi bông và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành tựu. Điển hình như, năm 1733, một người thợ dệt tên là Giôn-cây đã phát minh ra thoi bay, có thể phóng đi rất nhanh, giúp tăng năng suất dệt vải lên gấp nhiều lần. Năm 1767, một người thợ mộc khác tên là Giêm-Hacgrivơ đã phát minh ra được một máy kéo sợi, đặt tên máy là Gien-ny (theo tên đứa con gái của ông). Năm 1769, máy kéo sợi đầu tiên chạy bằng sức nước mang tên Ác-rai đã ra đời. Đến năm 1779, người thợ dệt Crôm-tơn đã tổng hợp ưu điểm của cả hai loại máy Gien-ny và Ác-rai, cho ra đời một loại máy kéo sợi mới có tên là Mu-lơ (có nghĩa là “Con La”, vì loại máy này vừa có sự nhanh nhẹn của con ngựa, vừa có sự bền bỉ của con lừa). Nó cho ra loại sợi nhỏ và bền, đồng thời có thể kéo cùng lúc 300-400 cọc sợi. Từ những sáng chế trên lĩnh vực sợi dệt đã kéo theo những phát minh trên lĩnh vực máy dệt. Năm 1785, một vị mục sư tên là Các-rai-tơ đã chế tạo ra chiếc máy dệt đầu tiên ở Anh, đưa năng suất lên gấp 40 lần so với trước. Để tạo ra nguồn động lực cho sự hoạt động của các cỗ máy này mà không bị lệ thuộc vào tự nhiên (sức nước, súc vật, gió), năm 1784 Giêm-oát đã chế tạo ra máy hơi nước. Sự ra đời của máy hơi nước đã tạo nên bước đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp. Máy hơi nước đã nhanh chóng được ứng dụng trong ngành kéo sợi, rồi ngành dệt. Từ công nghiệp nhẹ, máy hơi nước dần được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, như để chạy máy bơm nước hầm lò, chạy máy đào hầm lò, máy vận chuyển bằng cáp treo, quạt gió… Máy hơi nước còn tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Năm 1807, chiếc tàu thủy đầu tiên trên thế giới chạy bằng hơi nước có tên là Phơn-tơn đã được phát minh. Năm 1814, Xti-phen-xơn đã chế tạo ra đầu máy xe lửa. Rồi, kể từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX ,người ta bắt đầu sử dụng máy móc để chế tạo ra máy móc. Công nghiệp luyện kim cũng có những bước tiến đáng kể, với những phát minh quan trọng của Coóc và Ôniơn tìm ra phương pháp Pút-đinh, hay Đác-bi đã phát minh ra phương pháp nấu than cốc từ than đá để luyện gang…
Sau những bước khởi đầu ở nước Anh, cách mạng công nghiệp đã nhanh chóng lan rộng ra phạm vi thế giới và nó đã trở thành hiện tượng phổ biến đồng thời mang tính tất yếu đối với tất cả các quốc gia tư bản. Trong đó chúng ta thấy, nếu như cuộc cách mạng công nghiệp Anh phải mất ngót một thế kỷ mới hoàn thành (từ những năm 60 của thế kỷ 18 đến những năm 50 của thế kỷ 19), thì cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước tư bản diễn ra sau đó lại có tốc độ khẩn trương, sôi động hơn và thời gian hoàn thành cách mạng công nghiệp cũng được rút ngắn hơn. Bên cạnh đó ta thấy, cách mạng công nghiệp trong các nước tư bản càng về sau càng đi vào chiều sâu, như: phát triển các lĩnh vực chế tạo công cụ sản xuất,chế tạo ra may cái, đồng thời đi vào khai thác những ngành công nghiệp mũi nhọn như:đường sắt, hàng hải, hóa chất, luyện kim...
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất có tác động sâu sắc đến chủ nghĩa tư bản. Trước hết, nó đã có tác dụng dọn sạch đường cho sự thống trị toàn diện của chủ nghĩa tư bản. Những thành tựu của cuộc cách mạng này đều được ứng dụng vào sản xuất, dẫn tới sự đột phá trong sản xuất, tạo nên một khối lượng của cải đồ sộ bằng nhiều thế kỷ trước cộng lại, từ đó khẳng định ưu thế kinh tế của của chế độ tư bản trước chế độ phong kiến. Theo đó, cách mạng công nghiệp đã góp phần khẳng định chiến thắng của chủ nghĩa tư bản, mà trước nhất là trên bình diện kinh tế. Như Mác đã khẳng định: “Đây được coi là phát minh có ý nghĩa quốc tế đầu tiên. Nó được chế tạo ra không chỉ cho một vài lĩnh vực, mà được áp dụng phổ biến cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Chính động cơ hơi nước đã đẻ ra CNTB.”
Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp đã tạo ra những công cụ lý tưởng để bọn chủ tư bản bóc lột người lao động một cách kiệt cùng nhất, đó chính là máy móc. Người công nhân phải làm việc từ 12- 16 tiếng mỗi ngày, và họ đã trở thành nô lệ của máy móc và cũng là của nhà tư bản, bởi họ không thể cưỡng lại được sự hoạt động đều đều và liên tục của những cỗ máy. Nếu so với thời kỳ công trường thủ công, thì sự ra đời của máy móc và được ứng dụng ở hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, đã tạo nên một công cụ thu lời vô cùng kỳ diệu cho các nhà tư bản. Chính từ sự ưu việt của máy móc đem lại và sự cám dỗ của lợi nhuận, các nhà tư bản không ngừng mở rộng sản xuất theo chiều rộng một cách tràn lan, vô chính phủ. Vì vậy, nó đã quy định tính chất của chủ nghĩa tư bản thời kỳ này là chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh.
Ngoài ra, cách mạng công nghiệp cũng đã làm thay đổi trong cơ cấu ngành nghề của chủ nghĩa tư bản, khiến cho cuộc cách mạng lần này còn được gọi với tên khác là cuộc cách mạng cơ cấu ngành nghề. Cụ thể là sự phát triển của máy móc và những ứng dụng rộng rãi của nó trong nền sản xuất, đã đưa các lĩnh vực công nghiệp nặng lên một tầm cao mới, bên cạnh vị trí đã được khẳng định của các lĩnh vực công nghiệp nhẹ.
2. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần II.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần hai (hay cách mạng khoa học kỹ thuật lần II) nổ ra vào cuối thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX. Cuộc cách mạng lần này được chuẩn bị bằng quá trình phát triển hàng trăm năm của lực lượng sản xuất dựa trên cơ sở của nền sản xuất đại cơ khí và bằng sự phát triển của khoa học gắn liền với kỹ thuật. Yếu tố quyết định của cuộc cách mạng này là chuyển nền sản xuất trên cơ sở cơ khí sang nền sản xuất điện- cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa cục bộ trong sản xuất. Nhờ đó, đã tạo ra những ngành mới có tính khoa học, biến khoa học trở thành một ngành lao động đặc biệt.
Thời đại điện- cơ khí đã kế thừa được một số nét đặc trưng về kỹ thuật của thời đại máy hơi nước và tiếp tục phát triển lên, như: hệ thống máy móc là công cụ sản xuất chủ yếu, hệ thống kỹ thuật dựa trên cơ sở khoa học; cơ cấu ngành nghề phức tạp do công nghiệp làm chủ đạo với nguồn năng lượng thích ứng. Nhưng nhờ việc phát minh và sử dụng phổ biến điện lực- một dạng năng lượng mới, mà một số đặc điểm vốn có của thời đại máy hơi nước đã có bước phát triển cao hơn, đồng thời cũng làm nảy sinh một số đặc điểm chưa từng có trong thời đại máy hơi nước. Cụ thể như:
• Có thể sản xuất tập trung, quy mô thỏa mãn nhu cầu to lớn của sản xuất và đời sống.
• Có thể vận chuyển đến các vùng xa xôi, không bị giới hạn bởi địa điểm phân bố lực lượng sản xuất.
• Có thể xóa bỏ những hạn chế của hệ thống truyền động cồng kềnh phụ thuộc vào động lực máy hơi nước, tăng cường bố trí linh hoạt máy công tác trong không gian.
• Có thể phân chia, thích ứng một cách linh hoạt các nhu cầu năng lượng.
• Có thể dễ dàng chuyển thành các dạng năng lượng khác như: quang năng, từ năng, hóa năng… có lợi cho việc sáng tạo và sử dụng công cụ, công nghệ mới.
• Có thể sử dụng được nhiều nguồn năng lượng trước đây không hoặc chưa sử dụng đầy đủ như máy phát điện dùng sức gió, sức nước…
Việc phát hiện ra điện và ứng dụng điện rộng rãi trong giai đoạn này là một sự kiện có ý nghĩa phân biệt thời đại trong sự phát triển của phương pháp công nghệ sản xuất và lực lượng sản xuất xã hội loài người, thiếu nó sẽ không thể có lực lượng sản xuất hiện đại. Quá trình ứng dụng điện làm cho hệ thống máy móc phát triển thêm một bước, tạo điều kiện cho việc phát minh và áp dụng các thiết bị đo đếm và trắc nghiệm chính xác. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời các thiết bị điều khiển tự động- được xem là bộ phận thứ tư của hệ thống máy móc. Tuy nhiên, các thiết bị tự động lúc đó còn là các công cụ điều tiết đơn lẻ, lượng thông tin điều khiển còn ít, phân tán, các thiết bị thu thập, xử lý và phản hồi thông tin chỉ là vật phụ thuộc vào bộ phận thứ ba, chưa trở thành công cụ hoàn chỉnh, độc lập với tính cách là bộ phận thứ tư trong hệ thống máy móc.
Nhờ có sự biến đổi có tính nhảy vọt trong lực lượng sản xuất đã dẫn đến sự thay đổi trong có cấu kinh tế, trước tiên là cơ cấu ngành. Cơ cấu ngành nghề của thời đại điện lực có sự biến đổi căn bản, hệ thống các ngành nghề chủ đạo được hình thành và phát triển từ công nghiệp điện lực. Trong lĩnh vực năng lượng, nhờ việc tìm ra năng lượng điện, đã xuất hiện máy phát điện một chiều (1869) và xoay chiều (1877), rồi động cơ điện (1783), sau đó điện năng đã được phát triển và sử dụng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đã diễn ra cuộc cách mạng về động lực trên cơ sở phát minh ra các động cơ đốt trong dùng xăng làm nguyên liệu (1862) và động cơ diesel (1895) kết hợp với kỹ thuật điện đã mở ra kỷ nguyên xe hơi và máy bay sau này. Trong ngành luyện kim, nhờ kỹ thuật điện phân đã sản xuất được một khối lượng nhôm và hợp kim nhôm cho các ngành xây dựng và hàng không, cùng đó là sản xuất thép có chất lượng cao và các loại hợp kim đặc biệt luyện trong các lò luyện điện quang dùng trong công nghiệp quân sự và dân sự. Trong ngành hóa chất, trên cơ sở phát triển các kỹ thuật điện phân , điện hóa và các quy trình công nghệ cao, đã tạo ra được các vật liệu tổng hợp hữu cơ, nhiều vật liệu nhân tạo mới phục vụ cho nhu cầu của sản xuất và đời sống cũng đã được chế tạo. Trong ngành thông tin liên lạc, kỹ thuật thông tin vô tuyến đã phát triển trên cơ sở phát minh ra máy điện thoại của Bell (1876), Marconi đã chế tạo ra vô tuyến điện, giúp liên lạc được giữa hai bờ eo biển Manche (1897). Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các máy công cụ đã phát triển từ trình độ bán tự động quá độ lên tự động. Một nền sản xuất trên cơ sở điện- cơ khí với năng suất và độ chính xác ngày càng cao đã xuất hiện.
Tiếp theo đó, những thành tựu khoa học cực kỳ to lớn trên lĩnh vực khoa học tự nhiên vào đầu thế kỷ XX đã tạo ra những tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật hiện đại với những thành tựu to lớn, đặc biệt là trong một số ngành mũi nhọn. Tiêu biểu như: trong vật lý học, đã tiến sâu thêm vào cấu trúc vi mô của vật chất thêm được 3 mức: nguyên tử, hạt cơ bản, hạt siêu cơ bản. Trong sinh học, đã phân ngành sâu hơn từ các bộ môn sinh học độc lập với nhau như: sinh lý học tế bào, di truyền học, sinh hóa học, vi sinh học, vi rút học…, thành ngành sinh học phân tử, mở đầu kỷ nguyên sinh học hiện đại. Đồng thời, trên cơ sở tìm ra cấu trúc xoắn kép của AND mang mã di truyền của sự sống do Watson và Crich tìm ra năm 1953 đã đưa ngành di truyền học cổ điển phát triển… Trong qúa trình nhận thức và vận dụng vào thực tiễn, những tính chất mới và hình thức vận động của vật chất đã trở thành xuất phát điểm phát triển kinh tế. Từ đó làm cho lý thuyết và ứng dụng gắn liền với nhau, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ ở các ngành khoa học cũng như các ngành sản xuất.
Tác động rõ nét nhất của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai đến chủ nghĩa tư bản chính là việc nó đã làm cho chủ nghĩa tư bản chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn, đó là chủ nghĩa tư bản độc quyền tư nhân. Cụ thể chúng ta thấy, cùng với sự phát triển của khoa học tự nhiên, những phát minh kỹ thuật được áp dụng làm cho lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có những bước phát triển nhảy vọt (như phương pháp luyện kim mới, máy cắt gọt kim loại, những động cơ đốt trong, những phương tiện vận tải mới ra đời…). Muốn sử dụng những thành tựu nói trên của cách mạng khoa học kỹ thuật, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Điều này đòi hỏi phải có sự tập trung sản xuất, tập trung tư bản. Tích tụ và tập trung sản xuất đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến độc quyền, vì số ít các xí nghiệp lớn dễ thỏa hiệp thống nhất với nhau hơn là nhiều xí nghiệp nhỏ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất dưới tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng làm xuất hiện nhiều ngành sản xuất mới. Điều này buộc các nhà tư bản phải cải tiến kỹ thuật, tăng quy mô; các nhà tư bản nhỏ bị phá sản, hoặc phải liên kết nhau để đứng vững trong cạnh tranh; các xí nghiệp lớn cạnh tranh khôc liệt khó phân thắng bại nảy sinh xu hướng thỏa hiệp… và kết quả là cũng tạo nên sự tập trung sản xuất, tập trung tư bản, dẫn tới độc quyền.
Mới đầu, các tổ chức độc quyền phát triển trong một số ngành nhất định; sau đó, cùng với sự mở rộng và tiến bộ của cách mạng khoa học kỹ thuật, nó đã mở rộng hơn về quy mô, lan ra các ngành khác, với những hình thức chủ yếu là: Các-ten (độc quyền về giá cả, thị trường, sản lượng hàng hóa), Xanh-đi-ca (độc quyền về lưu thông), Tờ-rớt (độc quyền cả về sản xuất và lưu thông), Công-xoóc-xi-om (độc quyền đa ngành)…
Và như vậy, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần hai đã đẩy quá trình xã hội hóa sản xuất của chủ nghĩa tư bản tiến thêm một bước, quan hệ kinh tế quốc tế cũng được mở rộng nhanh chóng, từ đó thúc đẩy chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn độc quyền. Xã hội hóa tư bản phát triển lên một giai đoạn mới- giai đoạn độc quyền, mở đầu thời đại đế quốc chủ nghĩa.
III. Cuộc cách mạng khoa học- công nghệ và tác động của nó đến chủ nghĩa tư bản.
1. Nội dung chủ yếu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ III.
* Nguyên nhân dẫn tới cách mạng khoa học công nghệ.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, đã nổ ra cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ III. Cuộc cách mạng này cách cuộc cách mạng trước khoảng nửa thế kỷ, cho thấy rõ ràng tốc độ của sự tiến bộ khoa học- kỹ thuật đã tăng lên rất nhanh.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế kỷ XX diễn ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chúng ta có thể dẫn ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, do tác dụng và ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới II. Cụ thể ta thấy, để giành thắng lợi trong chiến tranh, các nước đế quốc đã dồn nhiều tâm sức vào nghiên cứu khoa học- kỹ thuật quân sự. Các bên tham chiến cạnh tranh nhau khốc liệt trong việc phát minh và sử dụng các vũ khí và trang thiết bị mới như ra-đa, tên lửa, máy bay chiến thuật, bom nguyên tử… Việc phát minh và sử dụng vũ khí và trang thiết bị mới tuy không quyết định thắng bại cuối cùng, song thực sự nó có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc chiến. Sau chiến tranh, rất nhiều bộ môn khoa học kỹ thuật quân sự đã được ứng dụng vào trong các ngành công nghiệp dân dụng, giúp cho nền sản xuất các nước tư bản phát triển.
Thứ hai, là do cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường sau Chiến tranh thế giới II. Cụ thể là sau Thế chiến II, diễn ra sự đối đầu giữa Xô – Mỹ, cũng như giữa hai cực Đông- Tây, cả hai bên đều ráo riết đầu tư cho việc tăng cường tiềm lực quân sự quốc phòng. Theo đó, một lần nữa người ta lại đổ rất nhiều tiền của vào để nghiên cứu khoa học quân sự. Từ đó khiến cho giống như thời kỳ Thế chiến, khoa học kỹ thuật quân sự lại trở thành ngành đi đầu trong việc phát triển toàn diện khoa học- công nghệ, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển nhanh chóng.
Thứ ba, do chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước tạo ra những điều kiện tương đối có lợi cho sự phát triển của khoa học công nghệ. Chúng ta thấy, việc nghiên cứu khoa học công nghệ đã ngày càng được xã hội hóa. Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu đã vượt ra ngoài khả năng gánh vác của các nhà tư bản, thậm chí là tập đoàn tư bản cá biệt. Điều đó đòi hỏi phải có sự hợp tác và phối hợp mạnh mẽ. Trong tình hình đó, nếu tách rời sự giúp đỡ về mọi mặt của nhà nước, thì việc tiến hành và phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ là điều khó thực hiện. Và ta thấy, sự phát triển cao độ của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, ở mức độ rất lớn đã đáp ứng được những đòi hỏi về mặt này của sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại.
Thứ tư, do sự cạnh tranh độc quyền ác liệt góp phần thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đòi hỏi của yếu tố cạnh tranh vốn khốc liệt hơn trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, buộc các nhà tư bản độc quyền không ngừng nghiên cứu kỹ thuật công nghệ mới, sử dụng công nghệ kỹ thuật mới để tạo ra các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Do đó, cạnh tranh vẫn giữ vai trò như trước đây, là một ngoại lực thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ.
Thứ năm, do chính bản thân khoa học công nghệ đã trở thành sức sản xuất xã hội có một cơ chế tương đối hoàn chỉnh. Trong đó ta thấy, đời sống của người lao động được nâng cao, đã tạo ra một thị trường rộng lớn sử dụng các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Mặt khác, trình độ của cư dân được nâng cao, số người có trình độ cao ngày càng đông đảo. Điều này không những tạo ra thị trường cho những sản phẩm khoa học công nghệ mà còn cung cấp sức lao động có chất lượng cao và cần thiết cho tiến bộ khoa học công nghệ. Bản thân các công ty độc quyền cũng đều xây dựng một đội ngũ nghiên cứu, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật công nghệ và sản xuất tiêu thụ, giúp tăng nhanh việc chuyển hóa thành quả khoa học công nghệ thành sức sản xuất xã hội.
* Nội dung của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Tiêu chí chủ yếu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần này là sự phát triển và áp dụng rộng rãi kỹ thuật nguyên tử và điện tử, khoa học- công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, mở đầu thời đại tự động hóa toàn bộ. Và người ta gọi cuộc cách mạng lần này là cuộc cách mạng khoa học công nghệ (thay vì tên quen gọi là cách mạng khoa học kỹ thuật). Bởi lẽ, ở giai đoạn này, những phát minh khoa học đều trực tiếp dẫn đến hình thành các nguyên lý công nghệ sảm xuất mới, chứ không chỉ dừng ở mặt công cụ sản xuất ra của cải vật chất như ở các giai đoạn trước. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần này phát triển sâu rộng chưa từng có, trực tiếp tác động đến mọi ngành kinh tế quốc dân, mọi lĩnh vực xã hội của các nước tư bản phát triển, và hiện nay vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ, với ảnh hưởng ngày càng to lớn, sâu sắc.
Mũi đột phá của cuộc cách mạng khoa học công nghệ này là sự nhanh chóng và không ngừng tạo ra, hình thành, phát triển những công nghệ mới, đẩy mạnh quá trình tự động hóa. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ hạt nhân… ngày càng được khẳng định là những lĩnh vực mũi nhọn. Các nước tư bản, đặc biệt là các nước tư bản phát triển, đã không ngừng nâng cao trình độ công nghệ- bởi lẽ công nghệ kỹ thuật cao sẽ làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, công nghệ mới sẽ làm tăng nhanh phương tiện sản xuất hiện đại, những tri thức và hiểu biết có giá trị; năng lực và mức độ thành thạo kỹ thuật, phương pháp tổ chức và quản lý sản xuất có hiệu quả… Nâng cao trình độ công nghệ trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ được coi là nhân tố chi phối khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới của bất kỳ nước tư bản nào. Sau đây là những lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ được xem là mũi nhọn trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ được tiến hành từ sau Thế chiến II đến nay.
• Lĩnh vực kỹ thuật điện tử.
Kỹ thuật điện tử là ngành hạt nhân có tính quyết định của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đồng thời là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, được ứng dụng rộng rãi nhất trong số các ngành khoa học công nghệ mới nổi lên. Cho đến nay, bất cứ những sáng tạo khoa học- kỹ thuật- công nghệ mới hay cải tạo kỹ thuật trong các ngành kinh tế truyền thống đều không thể tách rời khỏi kỹ thuật điện tử. Trong đó, thành tựu nổi bật nhất của kỹ thuật điện tử là việc phát minh và áp dụng máy vi tính điện tử. Từ khi chiếc máy vi tính điện tử đầu tiên trên thế giới ra đời vào giữa thập kỷ 40 của thế kỷ XX đến nay, máy vi tính đã trải qua nhiều thế hệ, không ngừng được cải tiến, với tính năng ngày càng phong phú, tốc độ xử lý ngày càng cao, hình thức ngày càng nhỏ gọn, và đã trở thành một phương tiện giao tiếp hữu hiệu, gần như không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại.
• Công nghệ thông tin.
Nếu nói kỹ thuật điện tử là cơ sở của kỹ thuật thông tin, thì kỹ thuật thông tin là bộ phận mấu chốt của công nghệ tin học ngày nay. Thông tin trở thành hệ thống thần kinh của xã hội hiện đại. Không có sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ không thể có sự truyền bá và sử dụng hàng vạn hàng triệu thông tin trong xã hội hiện đại, cũng sẽ không thể có xã hội tin học. Do sự phát triển và kết hợp của công nghệ vi điện tử và các ngành khoa học công nghệ mới khác (như công nghệ vi sóng, công nghệ cáp quang, công nghệ vệ tinh…) các biện pháp thông tin hiện đại đã ngày càng phổ biến. Các công nghệ thông tin mới đã làm cho việc truyền thông tin không những có dung lượng lớn, chất lượng tốt, diện phủ rộng, nhanh chóng linh hoạt, an toàn đáng tin cậy, với rất nhiều hình thức và chức năng mới (như máy fax, điện thoại di động, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh…), mà còn không ngừng được đổi mới với tốc độ rất nhanh. Cho đến ngày nay, cuộc cách mạng về thông tin đã và đang là đòn bẩy cho nhiều ngành công nghiệp mới phát triển.
• Công nghệ vật liệu mới.
Đây là lĩnh vực công nghệ thông qua phương pháp khoa học để chế tạo ra các vật liệu thay thế cho các vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Sự xuất hiện của các vật liệu mới không những làm giảm bớt sự phụ thuộc của con người vào tài nguyên thiên nhiên, mà còn làm cho sự nghiên cứu chế tạo và phát triển các loại sản phẩm có trình độ khoa học kỹ thuật cao trở thành hiện thực. Trong đó, các loại vật liệu cho thông tin, vật liệu tổng hợp và nguyên liệu năng lượng mới… là phát triển nhanh và có triển vọng nhất. Vật liệu dùng cho thông tin chủ yếu bao gồm vật liệu bán dẫn, ghi chép thông tin, vật liệu truyền cảm, vật liệu quang dẫn… Trong vật liệu bán dẫn, việc sử dụng silic vào việc chế tạo được xem là bước đột phá quan trọng nhất. Với việc sử dụng silic làm nguyên liệu bán dẫn, đã làm cho các loại máy điện tử giảm được độ lớn đến hàng trăm lần. Sau silic, ngày nay người ta đang sử dụng gali thạch hóa tín như một chất bán dẫn của tương lai, được ứng dụng rộng rãi trong việc sản xuất các loại máy móc công nghệ cao, như máy vi tính, điện thoại di động, thông tin vi sóng, pin mặt trời… Bên cạnh đó, công nghệ chế tạo các loại vật liệu mới có những tính năng siêu dẫn, siêu nhẹ, siêu bền… cũng đạt được những bước tiến đáng kể, ngày càng được ứng dụng nhiều trong cuộc sống.
• Công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học là lĩnh vực mới nổi lên từ những năm 50 của thế kỷ XX. Nó là sẩn phẩm kết hợp của khoa học về sự sống và khoa học kỹ thuật hiện đại. Công nghệ sinh học đang được nghiên cứu và phát triển hiện nay chủ yếu là công nghệ gen, dung hợp tế bào, mô tế bào, phản ứng sinh vật và các công nghệ gây men… Công nghệ sinh học tuy còn tương đối mới, song thành tựu của nó đạt được và đặc biệt là những ứng dụng của nó phục vụ cuộc sống là rất lớn lao. Công nghệ sinh học phục vụ trong việc tạo ra những giống cây con mới, có khả năng chống chịu bệnh tật cao, cho năng suất cao gấp nhiều lần so với giống cũ. Hay như công nghệ nuôi cấy mô, giúp tạo ra các cơ quan nội tạng sử dụng trong chữa trị cấy ghép y học. Đặc biệt là ngày nay, với công nghệ sinh học người ta có thể nhân bản vô tính bất kỳ sinh vật nào, mà thành công mở đầu là việc nhân bản thành công cừu Đô-ly, mở ra một triển vọng mới trong sự phát triển của nhân loại.
• Công nghệ vũ trụ.
Công nghệ vũ trụ bao gồm việc nghiên cứu và chế tạo các thiết bị máy móc cho việc khám phá vũ trụ của con người, như chế tạo vệ tinh nhân tạo, phi thuyền chở người, phóng tên lửa…, cũng như việc sử dụng các lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ việc bay vào vũ trụ như khí tượng, tài nguyên, khoa học về đời sống. Về mặt thông tin, truyền dẫn, việc sử dụng kỹ thuật không gian cũng ngày càng rộng rãi, đạt được nhiều thành tựu. Ngày nay, người ta còn đang nghiên cứu để chế tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên vũ trụ mà những điều kiện trên mặt đất không thể chế tạo được, rồi cả dự án phát điện không gian, tạo ra nguồn năng lượng thuần khiết và vô tận.
• Công nghệ hải dương.
Trái đất của chúng ta với ¾ diện tích là đại dương. Đây là một kho tài nguyên vô tận và còn nhiều điều bí ẩn, chưa được khai phá. Chính vì vậy, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã dần coi trọng việc khai thác và lợi dụng biển. Theo đó, nhiều loại máy móc, phương tiện đã được nghiên cứu, chế tạo để phục vụ cho việc nghiên cứu cũng như khai thác đại dương (tàu ngầm, rôbốt, công nghệ khoan dầu trên biển, máy định vị…)
* Đặc thù của cách mạng khoa học công nghệ so với các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trước đó.
Nếu các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trước đây chỉ thay thế chức năng hoạt động cơ bắp của người lao động bằng máy móc cơ khí, thì cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay là sự thay thế gần như toàn bộ chức năng thể lực (cơ bắp) của người lao động bằng các thiết bị máy móc tự động hóa trong quá trình sản xuất trực tiếp. Và theo đó, từ vị trí lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên cũng như vào quá trình sản xuất, trong giai đoạn cách mạng khoa học công nghệ, con người đã vươn lên khai thác, làm chủ thiên nhiên, làm chủ sản xuất với tầm ảnh hưởng ngày càng rộng lớn. Thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của nền sản xuất xã hội, cách mạng khoa học công nghệ đã đảm bảo cho các lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng theo hai hướng chủ yếu: một là thay đổi chức năng và vị trí của con người trong sản xuất trên cơ sở dịch chuyển từ nền tảng điện- cơ khí sang nền tảng cơ- điện tử; hai là chuyển sang nền sản xuất theo các công nghệ sạch, không chất thải để hòa hợp với tự nhiên, đảm bảo phát triển bền vững.
Ở cuộc cách mạng khoa học công nghệ này, giữa khoa học và nền sản xuất xã hội đã tạo thành mối quan hệ biện chứng, trong đó khoa học đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nguồn gốc của tái sản xuất xã hội. Hơn nữa, trình độ sản xuất đã đạt tới mức cao (được khoa học hóa) và có khả năng tiếp thu, nắm vững nhanh chóng các phát minh khoa học và công nghệ mới nhất để tạo điều kiện cho khoa học phát triển. Nhờ đó, thời gian từ nghiên cứu đến sản xuất được rút ngắn đáng kể, khoa học trở thành lực lượng dẫn đường cho sản xuất. Thông qua sự phát triển của kỹ thuật thông tin, vi điện tử, nền sản xuất không những tạo ra những linh kiện trí tuệ mới cho nhiều thế hệ máy tính, mà còn làm cho thiết bị sản xuất, sản phẩm của tất cả các ngành được “trí tuệ hóa”.
Bên cạnh đó, nếu các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trước đây góp phần tiết kiệm lao động sống, thì cuộc cách mạng khoa học công nghệ còn tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội, cho phép chi phí tương đối ít hơn các phương tiện vật chất của sản xuất để tạo ra cùng một khối lượng hàng hóa tiêu dùng. Bởi với kỹ thuật cao, không những có thể đảm bảo tính năng kỹ thuật tốt nhất, mà còn đảm bảo chất lượng công nghệ tối ưu, từ dó cải tạo toàn bộ phương pháp công nghệ sản xuất. Công nghệ mới hiện đại có các đặc điểm như: ít công đoạn, ít phế thải hoặc không phế thải, hệ thống sản xuất linh hoạt, chính xác và độ tin cậy cao, tác nghiệp từ gia công máy móc cỡ lớn chuyển sang dùng công nghệ mới chế tạo kết cấu vật chất cỡ nhỏ… Sự phát triển khoa học kỹ thuật cao và tư tưởng thiết kế công nghệ mới luôn xuất hiện, đã làm công nghệ mới liên tục ra đời, sức sản xuất xã hội phát triển lên một giai đoạn mới hoàn toàn khác về chất.
2. Tác động của của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đến chủ nghĩa tư bản.
Cũng giống như hai lần trước, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần này cũng đưa lại những biến đổi to lớn về cơ cấu kinh tế, xã hội. Căn cứ vào thực tế này, có một số học giả đã cho rằng các nước tư bản phát triển đã chuyển từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, hoặc xã hội hậu công nghiệp. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi cuộc cách mạng khoa học công nghệ sau Chiến tranh thế giới II đã lấy kỹ thuật điện tử làm hạt nhân, đẩy mạnh quá trình tự động hóa sản xuất, làm giảm nhanh chóng tỷ trọng các ngành sản xuất vật chất trong nền kinh tế, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ- trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển mạnh nhất. Nền chính trị- xã hội và các quan hệ kinh tế cũng thay đổi sâu sắc. Nổi bật nhất là sự xuất hiện vai trò mới của nhà nước như một trung tâm điều tiết vĩ mô, như người tổ chức đời sống kinh tế xã hội trong các nước tư bản phát triển. Cách mạng khoa học công nghệ mới cùng với vai trò mới của nhà nước đã đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển vào một giai đoạn phát triển mới- giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.
2.1. Cách mạng khoa học công nghệ làm thúc đẩy các ngành thứ ba và xã hội hóa việc quản lý xí nghiệp.
Một trong những tác động của cách mạng khoa học công nghệ đến chủ nghĩa tư bản hiện đại đó là việc thúc đẩy các ngành thứ ba và việc xã hội hóa quản lý xí nghiệp. Chúng ta thấy, cao trào cách mạng khoa học công nghệ kể từ sau Chiến tranh thế giới II lấy kỹ thuật điện tử làm hạt nhân đã sáng tạo ra hàng loạt các sản phẩm mới, công nghệ mới. Theo sau sự ra đời ào ạt các sản phẩm mới, công nghệ mới là sự hình thành và phát triển tương ứng của các ngành nghề mới, bộ môn mới, phân công xã hội càng thêm chi tiết, chặt chẽ. Thương nghiệp, tài chính, giao thông, điện tín, thông tin tư vấn, dịch vụ xã hội… là những lĩnh vực thuộc ngành thứ ba đã nhanh chóng phát triển và làm thay đổi sâu sắc cơ cấu ngành nghề sản xuất xã hội. Sự phát triển của các ngành nghề thứ ba đã thu hút số lượng lớn sức lao động dôi ra trong quá trình tăng năng suất lao động ở các ngành sản xuất khác, hoặc do bị khủng hoảng kinh tế đẩy ra. Đồng thời, nó cũng mở rộng thị trường tiêu thụ vật chất, từ đó làm dịu rất nhiều mâu thuẫn của tích lũy tư bản sau chiến tranh, đó là sự dư thừa tương đối sản phẩm lao động và sức lao động. Đây là nhân tố quan trọng khiến cho khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh không thật gay gắt.
Cách mạng khoa học công nghệ không chỉ thúc đẩy ngành lớn thứ ba phát triển, mà còn đẩy mạnh xã hội hóa trong quản lý xí nghiệp. Sau chiến tranh, do sức sản xuất phát triển mạnh mẽ, xã hội hóa sản xuất đạt đến cao độ mới, sự phân công hiệp tác sản xuất giữa các xí nghiệp tăng mạnh, đã tạo ra hệ thống liên hợp các xí nghiệp lớn, vừa, nhỏ. Các chức năng quản lý xí nghiệp như kế toán, kiểm toán, tư vấn… ngày càng tách ra từ nội bộ xí nghiệp, hình thành nên cơ cấu quản lý chuyên nghiệp xã hội hóa; cơ cấu quản lý chuyên nghiệp lại kết hợp với những biện pháp tin học hiện đại, hình thành hệ thống quản lý được “mạng hóa”, cung cấp cho xí nghiệp các loại dịch vụ quản lý. Ví dụ, một công ty ô tô ở Mỹ đã dùng máy tính điện tử nối liền 85 phòng giao dịch tiêu thụ trong 49 bang và 18 văn phòng sản xuất trong 11 bang thành một hệ thống, thu nhận và phân tích bất cứ vào lúc nào tin tức về các mặt tiêu thụ, tồn kho, vận chuyển hàng hóa, tài vụ… của công ty, có thể kịp thời đưa ra quyết sách cho việc quản lý sản xuất. Điều kiện xã hội hóa như thế đã giảm bớt một cách rõ rệt tính không minh bạch của sản xuất, gây ảnh hưởng quan trọng đến việc khống chế hiện tượng kinh tế lên cơn sốt. Nó đã làm thay đổi cơ sở vật chất- kỹ thuật của tái sản xuất tư bản chủ nghĩa, khống chế từ xa sự vận động của chu kỳ kinh tế.
Bên cạnh đó, bản thân trong nội bộ cơ cấu từng ngành cũng có sự thay đổi. Chúng ta thấy, tiến bộ khoa học công nghệ ở các nước tư bản phát triển từ sau Chiến tranh thế giới II có quan hệ chặt chẽ với việc mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng lao động, thúc đẩy sự đổi mới không ngừng chất lượng của lao động và vốn trong tăng trưởng kinh tế, làm mở rộng sản xuất theo chiều sâu trở thành phương thức đầu tư chủ yếu. Và cùng với việc làm thay đổi công cụ sản xuất và phương thức lao động, cách mạng khoa học công nghệ còn làm thay đổi hướng đầu tư thiết bị của các ngành, mà trong đó việc thay đổi cơ cấu đầu tư và thay đổi cơ cấu ngành lại có quan hệ mật thiết với nhau. Cách mạng khoa học công nghệ làm cho trung tâm đầu tư chuyển hướng về các lĩnh vực có kỹ thuật công nghệ mới. Do các ngành nghề truyền thống có xu hướng đình trệ, các xí nghiệp phải tìm lối thoát trong các ngành nghề mới, từ đó dẫn đến sự thay đổi vai trò tương đối và quan hệ tỷ lệ giữa các lĩnh vực trong từng ngành lớn, theo chiều hướng ngành nghề cũ suy thoái, ngành nghề mới phát triển.
2.2. Cách mạng khoa học công nghệ tác động đến chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản.
Ảnh hưởng của cách mạng khoa học công nghệ đối với chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản thể hiện ở chỗ tạo ra nhiều yếu tố thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Chúng ta thấy, cách mạng khoa học công nghệ sau Thế chiến Hai có 3 đặc điểm nổi bật, đó là: thứ nhất, phạm vi sáng chế rất rộng, trong rất nhiều lĩnh vực khoa học và lĩnh vực kỹ thuật đã xuất hiện những đột phá quan trọng; thứ hai, tiến trình chuyển khoa học-công nghệ thành sức sản xuất trực tiếp được đẩy nhanh; thứ ba, nó mở đầu thời đại mới dùng máy móc thay thế một phần lao động trí óc, trong các nước phát triển đã bùng phát phong trào dùng tự động hóa cải tạo nền công nghiệp truyền thống và phát triển các ngành công nghiệp mới. Hiệu quả kinh tế-xã hội do ba đặc điểm này tạo ra đã làm phong phú nội dung sản phẩm xã hội, đẩy nhanh thêm nhịp điệu đổi mới tư bản cố định, mở ra những lĩnh vực đầu tư rộng lớn, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu từ vốn tăng lên nhanh chóng. Đến lượt mình, sự tăng trưởng nhanh chóng của tiêu dùng cá nhân và đầu tư vốn cố định lại tạo thêm lực lượng “tự làm mạnh” nảy sinh ra trong nội bộ nền kinh tế, khiến kinh tế tư bản hồi phục với một sức mạnh tràn đầy, nhanh chóng vượt qua giai đoạn tiêu điều sau Thế chiến, thậm chí làm cho thời gian hồi phục kinh tế của các nước tư bản được rút ngắn rất nhiều.
2.3. Cách mạng khoa học công nghệ làm bùng phát cuộc khủng hoảng cơ cấu, buộc chủ nghĩa tư bản phải có sự điều chỉnh toàn diện.
Tuy nhiên, sự bùng nổ mãnh liệt của cách mạng khoa học công nghệ từ sau Chiến tranh thế giới II cũng tác động nghịch chiều tới chủ nghĩa tư bản, mà thể hiện rõ rệt nhất là dẫn tới sự mất cân đối của ngành nghề sản xuất. Cụ thể chúng ta thấy, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tạo ra rất nhiều sản phẩm mới, công nghệ mới, đồng thời cũng dẫn tới sự suy thoái nhanh của các ngành nghề truyền thống. Sở dĩ như vậy là vì những ngành nghề sản xuất mới nổi lên đã tạo ra những sản phẩm mới có tính năng tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn; mặt khác, công nghệ mới cho năng suất cao hơn, khả năng tiêu thụ trên thị trường rất lớn, tỷ suất lợi nhuận cao, quy mô đầu tư và quy mô sản xuất đều phát triển rất nhanh và hợp lý. Trong khi đó, các ngành công nghiệp truyền thống, do sản phẩm cũ kỹ, tính năng kém hơn, công nghệ lạc hậu hơn, nên rơi vào vị trí bất lợi trong cạnh tranh thị trường, rất nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm bị sản phẩm mới tước mất, vì thế tỷ suất lợi nhuận giảm, quy mô đầu tư và quy mô sản xuất ngày càng co lại. Tình trạng này phản ánh cơ cấu ngành nghề cũ đã không còn thích ứng được với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cần thiết phải điều chỉnh lại, cần nhanh chóng chuyển nhiều lao động sang các ngành nghề sản xuất mới. Sự điều chỉnh này tuy là một bước tiến bộ, là một quá trình tự nhiên, song dưới chế độ tư bản chủ nghĩa thì nó chỉ có thể biểu hiện thành hình thức khủng hoảng. Ví dụ, công nghiệp sắt thép của Mỹ, do cách mạng khoa học công nghệ tạo ra những vật liệu tổng hợp mới, có thể thay thế hữu dụng cho sắt thép trên nhiều lĩnh vực, hơn nữa lại bị cạnh tranh bởi Nhật Bản và các nước công nghiệp mới nổi lên…, nên suốt thời gian dài nằm trong trạng thái suy thoái, sản lượng sau khi đạt được kỷ lục vào năm 1973 thì cứ thế giảm hết nấc này đến nấc khác. Nhiều nhà máy thép đóng cửa, công nhân thất nghiệp rất nhiều. Đây rõ ràng không phải là khủng hoảng do sản xuất nữa, mà là khủng hoảng cơ cấu- với nguồn gốc sâu xa chính là do cuộc cách mạng khoa học công nghệ đem tới. Trong khi đó, cùng với sự co lại của các ngành nghề truyền thống là sự bùng nổ các ngành nghề công nghiệp mới, như: điện tử, tin học, di truyền học, hàng không vũ trụ, bảo vệ môi trường, năng lượng mới… , rồi cùng đó là một loạt các ngành dịch vụ mới. Chính vì vậy, hiện tượng giảm sút trên không thể coi là suy thoái, mà là toàn bộ cơ sở kinh tế kỹ thuật của xã hội tư bản đang trải qua một cuộc cải cách cơ cấu. Và như vậy, cách mạng khoa học công nghệ đã góp một phần quan trọng vào việc làm bùng phát cuộc khủng hoảng cơ cấu ở các nước tư bản chủ nghĩa nói riêng, trên toàn thế giới nói chung. Đây không còn đơn thuần là một cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ đơn thuần của chủ nghĩa tư bản nữa, mà là một cuộc khủng hoảng toàn diện, tất cả các yếu tố cấu thành của hình thái kinh tế- xã hội đều rơi vào khủng hoảng, đòi hỏi phải được thay thế bằng một cơ chế thích hợp khác, mà trong đó cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 chỉ là một dấu hiệu, như là “giọt nước tràn ly” khiến người ta nhận thấy rõ sự trì trệ, khủng hoảng toàn diện. Và trên thực tế chúng ta thấy, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng cơ cấu, thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II và để tiếp tục phát triển, một lần nữa chủ nghĩa tư bản lại đi tìm những hình thức thích nghi mới. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các nước tư bản đã có những thay đổi rất căn bản so với quá trình trước đó. Những thay đổi đó gắn bó chặt chẽ với việc đẩy mạnh triển khai giai đoạn mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Nói cách khác, các nước tư bản chủ nghĩa đã đi sâu vào cải tổ cơ cấu kinh tế, áp dụng những thành tựu mới trên quy mô toàn hệ thống. Cùng đó, nó cũng buộc các nước tư bản phải đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa nền kinh tế, giảm bớt vai trò điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế cùng với tệ quan liêu của nó, vừa liên quốc gia hóa sản xuất, vừa tư bản tư nhân hóa các ngành đã quốc hữu hóa trước kia; vừa áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ vào trong sản xuất , vừa gạt bỏ những ngành công nghiệp già nua và củng cố hệ thống tiền tệ- tài chính. Song song với việc giảm bớt phát triển kinh tế theo chiều rộng, tăng cường phát triển kinh tế theo chiều sâu, chủ nghĩa tư bản cũng đồng thời tìm cách thích nghi về chính trị xã hội trước những biến động của tình hình thế giới, trước những đòi hỏi của người lao động- những người đã được trông thấy sự nâng cao nhảy vọt của chất lượng cuộc sống từ chính cuộc cách mạng khoa học công nghệ đem lại (như phải nâng cao tiền lương, mở rộng dân chủ, tăng quỹ trợ cấp thất nghiệp, tăng bảo hiểm lao động và phúc lợi xã hội…).
2.4. Cách mạng khoa học công nghệ làm thay đổi quan hệ sở hữu trong chủ nghĩa tư bản.
Trước hết, sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản từ xã hội công nghiệp lên xã hội thông tin dưới sự thúc đẩy của cách mạng khoa học công nghệ và quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế đã làm cho những công ty đòi hỏi những nguồn lực khổng lồ, đặc biệt là về vốn và công nghệ, mà khả năng tài chính của một công ty đơn lẻ thì không thể đáp ứng nổi. Trong điều kiện đó, những người chủ sở hữu về pháp lý (tức các cổ đông) của các công ty và tập đoàn siêu lớn (như TNCs) cũng không còn đủ vốn và năng lực quản lý nữa. Số cổ đông này buộc phải thuê các ban quản lý là các nhà quản lý chuyên nghiệp để điều hành và quản lý công ty. Mặt khác, do không thể dựa vào nguồn vốn của một ông chủ duy nhất, hoặc một nhóm các chủ sở hữu để cung ứng vốn cho sự phát triển của công ty, nên đã phải dựa vào sự đầu tư của rất nhiều người, mà trong đó không ai có đủ số cổ phần để kiểm soát hay can thiệp sâu vào hoạt động quản lý của công ty. Từ đó, “người quản lý” lại có vai trò rất quan trọng, khiến cho các quan hệ, hình thức sở hữu theo truyền thống bị biến dạng đi.
Thứ hai, do khoa học công nghệ được xác định là nhân tố then chốt, quyết định sức cạnh tranh và phát triển của mỗi công ty, nên những người sở hữu những tri thức về khoa học công nghệ đã thay đổi về địa vị một cách rõ rệt. Loại hình sở hữu này ngày càng khẳng định địa vị của mình trong các công ty. Chủ sở hữu tri thức trở thành một yếu tố có ý nghĩa như một phương tiện sản xuất mới, đó là các tri thức và kỹ năng sáng tạo, một thứ tài sản không dễ dàng tìm thấy trên thị trường hàng hóa thông thường, và nó đã trở thành một loại tư bản- tư bản trí năng. Theo đó, trong quá trình phân phối, nhờ sở hữu một thứ tài sản có chức năng như một tư bản, nên người lao động trí tuệ ngoài tiền công, còn được hưởng một phần giá trị thặng dư mà mà các nhà tư bản sở hữu cổ phần phải nhường lại dưới hình thức phần thưởng cho các sáng chế, hoặc được thụ hưởng một bậc lương đặc biệt dành cho các nhà kỹ nghệ và quản lý. Từ đó, họ trở thành tầng lớp kỹ trị và ngày càng đông đảo hơn cùng với qúa trình phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Thứ ba, do sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho năng suất lao động tăng nhanh, người công nhân có thu nhập cao hơn, đời sống khá giả, họ có tài sản tích lũy, tầng lớp công nhân “cổ cồn”, “cổ trắng” ra đời ngày càng nhiều. Và nhờ có tài sản tích lũy, họ được quyền mua cổ phiếu và trở thành cổ đông, trở thành người sở hữu một phần xí nghiệp mà họ đang sản xuất. Từ đó, đã làm thay đổi nhiều quan niệm về mối quan hệ giữa người với người, giai cấp với giai cấp trong xã hội tư bản.
2.5. Tác động của cách mạng khoa học công nghệ đến quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh của chủ nghĩa tư bản.
Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, việc tổ chức quản lý sản xuất và các hoạt động kinh tế ở tầm vi mô của các công ty tư bản đã chuyển từ kiểu sản xuất đại trà, được tiêu chuẩn hóa theo loạt lớn, sang kiểu sản xuất loạt nhỏ và linh hoạt theo đơn đặt hàng; cùng đó là sự dịch chuyển từ kiểu tổ chức có quy mô lớn được liên kết theo chiều dọc, sang phi liên kết kiểu mạng lưới theo chiều ngang giữa các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước. Sự chuyển dịch này trong điều kiện công nghệ liên tục được đổi mới đã làm nổi bật vai trò của các công ty, xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Lúc này, các tập đoàn lớn trở nên nặng nề hơn, và cũng buộc phải tự tách mình thành các nhân tố của cạnh tranh nhằm tạo ra sự năng động và linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Điều này lại dẫn đến sự liên kết công ty kiểu mới- kiểu các vệ tinh xoay quanh một công ty gốc, tạo nên một mạng lưới phủ lên thị trường các nước. Đây là sự chuyển hóa về mặt tổ chức quản lý mọi hoạt động kinh tế để tăng cường tính linh hoạt do chính yêu cầu của thời đại cách mạng khoa học công nghệ đưa đến.
2.6. Cách mạng khoa học công nghệ làm thay đổi hướng xuất khẩu tư bản của chủ nghĩa tư bản.
Chúng ta thấy, trước đây luồng xuất khẩu tư bản chủ yếu là từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển (vốn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu phục vụ sản xuất), thì cuộc cách mạng khoa học công nghệ và việc hướng sản xuất vào các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn với phương châm dựa trên những nguồn nguyên vật liệu mới, hạn chế và tiết kiệm đến mức tối đa các nguồn nguyên vật liệu sẵn có… đã làm cho ưu thế về tài nguyên thiên nhiên của các nước kém phát triển bị lu mờ. Từ đó, dòng vốn đầu tư đã có sự chuyển đổi rõ rệt, mà cụ thể là đại bộ phận dòng đầu tư lại chỉ chảy qua lại giữa các nước tư bản với nhau, đặc biệt là giữa 3 trung tâm: Mỹ- Tây Âu- Nhật Bản.
2.7. Cách mạng khoa học công nghệ tác động đến quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa nền kinh tế, mà trước hết là trong chủ nghĩa tư bản.
Toàn cầu hóa nền kinh tế là xu hướng tất yếu biểu hiện sự phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất do phân công lao động quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và tích tụ, tập trung tư bản dẫn tới hình thành nền kinh tế thống nhất. Cụ thể, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, toàn cầu hóa kinh tế được hình thành và phát triển cùng với cùng với qúa trình phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các TNC (các công ty xuyên quốc gia). Bởi lẽ, cơ sở vật chất kỹ thuật của toàn cầu hóa là kỹ thuật thông tin, các thiết bị thông tin và công cụ giao thông phát triển với tốc độ cao, dung lượng lớn, còn các TNC là những mắt xích gắn kết các nền kinh tế lại thành khối thống nhất.
Khu vực hóa kinh tế hay liên kết kinh tế khu vực là quá trình nhất thể hóa kinh tế giữa các nước và các khu vực khác nhau trong cùng một châu lục hoặc giữa các châu lục trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, thông qua việc ký kết các điều ước hoặc hiệp định. Việc thành lập các khu vực kinh tế trước hết là đòi hỏi của sự phân công hiệp tác ngày càng sâu rộng giữa các nước trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và đồng thời là sản phẩm của quốc tế hóa. Khi xã hội hóa sản xuất vượt ra ngoài biên giới quốc gia và phát triển tới trình độ nhất định, tất yếu sẽ đặt ra yêu cầu phải gỡ bỏ các vật cản trên thị trường và thực hiện liên kết kinh tế. Và để phòng ngừa sự mất lợi thế, sự suy giảm về vai trò hoặc bị tụt xuống hàng sau, những nước tư bản đứng đầu thế giới về kinh tế đều muốn lấy khu vực kinh tế làm chỗ dựa để tăng cường hiệu lực của mình. Trong khi đó, để nhằm phá vỡ cục diện cũ, những nước có vai trò kinh tế đang lên cũng tìm đến phạm vi kinh tế của mình ở các khu vực kinh tế. Kết quả của sự liên kết khu vực là làm giảm được các vật cản tự do lưu chuyển của các yếu tố sản xuất, tài nguyên được phân phối và sử dụng hợp lý hơn, có hiệu quả hơn, cơ cấu ngành cũng trở nên hợp lý hơn. Mặt khác, xu hướng này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ lại khiến cho quá trình toàn cầu hóa được đẩy mạnh hơn.



Tóm lại, lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản đã có sự gắn kết nhất định với các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Cuộc cách mạng công nghiệp- hay cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất đã xác lập ưu thắng chủ nghĩa tư bản trên trận địa kinh tế trước phong kiến, đồng thời nó mở ra thời kỳ phát triển mới của chủ nghĩa tư bản dưới hình thức chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần hai với những bước phát triển nhảy vọt trong khoa học- kỹ thuật mà quan trọng nhất là việc phát minh ra điện và các sản phẩm sử dụng điện, đã đưa chủ nghĩa tư bản tiến đến một hình thức tổ chức cao hơn, đó là chủ nghĩa tư bản độc quyền tư nhân. Đến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba- hay còn gọi là cuộc cách mạng khoa học công nghệ, thì gần như những cấu hình cũ của chủ nghĩa tư bản đã bị phá bỏ. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tạo ra một diện mạo mới cho chủ nghĩa tư bản, đưa chủ nghĩa tư bản bước vào một thời kỳ phát triển mới, cao hơn và khác biệt về chất so với các thời kỳ trước đó, mà người ta gọi là chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Cách mạng khoa học kỹ thuật đã trở thành nhân tố động, nhân tố soi đường cho những tiến triển của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã rất biết lợi dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ để luôn làm mới mình. Chính vì thế mà chúng ta thấy là chủ nghĩa tư bản sau mấy thế kỷ hình thành và phát triển, mặc dù chất chứa trong mình đầy rẫy những mâu thuẫn, nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy nó bị già cỗi. Và như vậy, cách mạng khoa học kỹ thuật đã trở thành yếu tố xương sống để cắt nghĩa cho sự tồn tại lâu bền của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản sẽ vẫn còn tồn tại rất lâu nữa, một khi nó vẫn chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ, vẫn lấy những nhân tố này làm điểm tựa. Chính cách mạng khoa học kỹ thuật đã luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi đối với chủ nghĩa tư bản, buộc nó phải có những sự điều chỉnh, thích ứng. Và sau mỗi lần điều chỉnh đó, ta lại thấy chủ nghĩa tư bản như trẻ lại, tràn trề sức sống và dường như không có lực lượng nào có thể chiến thắng nổi.

9/4/09

Trần Tín Kiệt bị bắt

Chiều nay (09/04), trên sân nhà đào tạo trung tâm của trường Đại học Quy Nhơn đông đúc lạ thường. Không chỉ có các giảng viên, sinh viên nhà trường, mà ngay cả những khách qua đường hiếu kỳ cũng tiến vào để xem một sự vụ chấn động: Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt cùng một số thành viên có liên quan đã bị bắt.







Xem thêm audio "Bài phát biểu của "đồng chí" Võ Nguyên Du" tại http://congbangqn.blogspot.com/

6/4/09

Những câu chuyện đêm tàn lửa

Phần quan trọng nhất trên cơ thể
Phần quan trọng nhất trên cơ thể Mẹ tôi đã ra một câu đố: "Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?" Ngày nhỏ, tôi đã nói với mẹ rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu: "không phải đâu con. Có rất nhiều người trên thế giới này không nghe được đâu, con yêu ạ. Con tiếp tục suy nghĩ về câu đố đó đi nhé, sau này mẹ sẽ hỏi lại con." Vài năm sau, tôi đã nói với mẹ rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế đôi mắt là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ lại nhìn tôi âu yếm nói: "Con đã học được nhiều điều rồi đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vi vẫn còn nhiều người trên thế gian này chẳng nhìn thấy gì." Đã bao lần tôi muốn mẹ nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. Mẹ chỉ trả lời tôi: "Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ." Rồi đến năm 1991, bà nội yêu quý của tôi qua đời. Mọi người đều khóc vì thương nhớ bà. Một mình tôi đã vừa đạp xe vừa khóc trên suốt chặng đường 26 km từ thị xã về quê trong đêm mưa rào ngày 4/5 âm lịch của năm đó. Tôi đạp thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng tôi đến nơi thì đã muộn mất rồi. Tôi đã thấy bố tôi gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc như tôi. Lúc liệm bà xong, mẹ đến cạnh tôi thì thầm: "Con đã tìm ra câu trả lời chưa?" Tôi như bị sốc khi thấy mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi chỉ nghĩ đó là một trò chơi giữa hai mẹ con thôi. Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo cho tôi đáp án: "Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là cái vai." Tôi hỏi lại: "Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?" Mẹ lắc đầu: "Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai cho con có thể ngả đầu vào." Từ lúc đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là "phần ích kỷ", mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.
Hạnh phúc vô biên
Hai người đàn ông đều bệnh nặng, được xếp chung 1 phòng tại bệnh viện. Một người được phép ngồi dậy mỗi ngày 1 tiếng để thông phổi. Giường ông ta nằm cạnh cửa sổ duy nhất trong phòng, người kia phải nằm suốt ngày. Hai người đã nói với nhau rất nhiều. Họ nói về vợ con, gia đình, nhà cửa công việc, những năm tháng trong quân đội và cả những kỳ nghỉ đã trải qua. Mỗi chiều khi được ngồi dậy, người đàn ông cạnh cửa sổ dành hết thời gian để tả cho người bạn cùng phòng nghe những gì ông thấy được ngòai cửa sổ. người kia, mỗi chiều lại chờ đợi được sống trong cái khỏanh khắc 1 tiếng đó-cái thời gian mà thế giới của người đó mở ra sống động bởi những họat động và màu sắc bên ngòai. Cửa sổ nhìn ra 1 công viên với 1 cái hồ nhỏ xinh xắn. Vịt, ngỗng đùa giỡn trên mặt hồ trong khi bọn trẻ thả những chiếc thuyền giấy. Những cặp tình nhân tay trong tay nhau đi dạo giữa ngàn hoa và ráng chiều rực rỡ. Những cây cổ thụ sum suê tỏa bóng mát, và xa xa là đường chân trời của thành phố ẩn hiện. Khi người đàn ông bên cửa sổ mô tả bằng những chi tiết tinh tế, người kia có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra cho riêng mình 1 bức tranh sống động. 1 chiều, người đàn ông bên cửa sổ mô tả 1 đòan diễu hành đi ngang qua. Du` ko nghe được tiếng nhạc, người kia vẫn như nhìn thấy được trong tưởng tượng qua lời kể của người bạn cùng phòng. Ngày và đêm trôi dần…. 1 sáng, khi mang nước đến phòng cho họ, cô y tá phát hiện người đàn ông bên cửa sổ đã qua đời êm ái trong giấc ngủ. Cô báo cho người nhà đến mang ông đi. 1 ngày kia, người đàn ông còn lại yêu cầu được chuyển đến bên cạnh cửa sổ. Cô y ta đồng ý để ông được yên tĩnh 1 mình. Chậm chạp gắng sức, ông nhổm dậy bằng 2 cùi chỏ và ngắm nhìn thế giới bên ngòai. Ông căng thẳng nhìn ra cửa sổ.Đối diện ông chỉ là 1 bức tường xám xịt. Ông hỏi cô y tá điều gì khiến người bạn khốn khổ cùng phòng của ông đã mô tả cho ông nghe những điều tuyệt diệu qua cửa sổ. Cô y tá cho biết rằng người đàn ông đó bị mù và thậm chí ông ta cũng ko thấy được bức tường nữa. Cô nói : “Nhưng ông ta muốn khuyến khích ông can đảm lên”. Có những hạnh phúc vô biên khi mang lại hạnh phúc cho người khác bất chấp hòan cảnh riêng của mình. Nỗi khổ được chia sẻ sẽ vơi nửa, nhưng hạnh phúc được chia sẻ sẽ nhân đôi.
Chuyện cây táo
Cách đây rất lâu , ở 1 làng nọ có một cây táo cổ thụ .Hàng ngày có 1 cậu nhỏ hay ra chơi đùa với cây . Cậu leo trèo lên ngọn cây , hái táo để ăn và khi đã mệt mỏi cậu ngủ thiếp đi dưới bóng râm của nó . Cậu rất yêu quí cây táo và cây táo cũng thích chơi đùa với cậu. Thời gian trôi đi , cậu nhỏ gày nào đã lớn và không còn chơi đùa với cây táo nữa . Một ngày nọ cậu xuất hiện với vẻ mặt rất buồn bã . Cây táo muốn cậu chơi đùa với nó , nhưng cậu từ chối : - Tôi không còn nhỏ nữa và tôi không muốn chạy xung quanh cây. Tôi muốn chơi đồ chơi kia nhưng tôi không có tiền để mua chúng . - Tôi cũng không có tiền - Cây táo nói - nhưng cậu có thể hái các trái táo để bán và cậu sẽ có tiền . Cậu trai rất mừng khi nghe đề nghị như vậy . Cậu hái hết các quả táo mang đi bàn và không trở lại nữa . Cây táo rất buồn vì nhớ cậu. Một ngày kia , cậu bé ngày nào đã trở thành 1 chàng trai , đến bên cây táo. Nó rất vui mừng và đề nghị cậu chơi đùa với nó. Nhưng chàng trai từ chối và đề nghị cây táo hãy cho chàng 1 ngôi nhà để gia đình của chàng trú ẩn . -Tôi không có nhà để cho cậu - cây táo nói - nhưng cậu có thể chặt những tán cây của tôi để làm nhà . Và thế là chàng trai chặt hết các tán cây, vui vẻ mang đi. Cây táo rất hạnh phúc khi thấy chàng trai vui nhưng không thấy chàng quay lại . Nó trở nên buốn bã và cô độc. Vào 1 ngày hè nóng nực rất lâu sau đó, người đàn ông - cậu bé lại xuất hiện. Và cây táo lại rất vui mừng. Nó muốn chơi đùa, nhưng người đàn ông ấy từ chối vì mệt mỏi . Ông ấy muốn có 1 chiếc thuyền để nghỉ ngơi và muốn cây táo giúp mình. Cây táo đề nghị người đàn ông hãy đốn thân cây to lớn của nó đề làm thuyền . Người đàn ông đốn cây và không xuất hiện nữa . Cuối cùng , vào 1 buổi chiều , ông lão - cậu bé đã xuất hiện . - Ôi con trai ,bây giờ thì ta không còn gì để cho con nữa rồi - cây táo nói - Không còn những quả táo chín ngọt. - Con không còn răng để ăn táo.. - Cũng không còn cành để con leo ... - Con không đủ sức để làm việc dó. - Thật sự ta không còn gì nữa , chỉ còn mỗi gốc cây - Cây táo khóc.. - Con không cần cái gì nữa cả . Chỉ cần 1 chỗ để nghỉ ngơi thôi . Nói rồi ông lão ngồi lên gốc cây . Cây táo rất đỗi vui mừng . Nó cười qua làn nước mắt. Đây chỉ là 1 câu chuyện ngụ ngôn . Cây táo là cha mẹ chúng ta . Khi chúng ta còn bé chúng ta rất thích chơi đùa với Bố , Mẹ . Nhưng khi chúng ta lớn thì chúng ta rời bỏ họ và chỉ quay về khi chúng ta cần lấy thứ gì hay chúng ta có những nỗi phiền muộn . Cha mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ đón nhận chúng ta và làm tất cả những gì miễn là chúng ta được hạnh phúc!
Mẹ lạnh lắm phải không?
Vào một đem Giánh sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò người phía bên dưới cầu. Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đưa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con. Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy.Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà mẹ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm.Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng. Bà đem đưa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12,cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình. "Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - cậu sẽ lạnh cóng!" song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: " mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?" Và cậu bé oà khóc.
Người cha được tạo ra như thế nào?
Khi ông Trời bắt đầu tạo ra nguời cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao nguời cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta để cho nguời cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”. Thấy Trời nặn đôi bàn tay nguời cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, nguời cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”. Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn nguời cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc. “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp. Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong nguời cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của nguời cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt nguời cha vài giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của nguời cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc. Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như nguời mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”.
Tại sao phụ nữ lại khóc
Một cậu bé hỏi mẹ: - Tại sao mẹ lại khóc? Người mẹ đáp: - Vì mẹ là một phụ nữ. - Con không hiểu mẹ, cậu bé thốt lên. Người mẹ ôm chặt con và âu yếm: - Con không bao giờ hiểu được, nhưng nó là như thế đấy. Thời gian trôi đi, cậu bé lại hỏi cha: - Sao mẹ lại khóc hả cha? - Tất cả phụ nữ đều như thế, con yêu ạ - người cha mỉm cười đáp. Cậu bé lớn dần lên và khi cậu trở thành một người đàn ông nhưng vẫn thường tự hỏi: Tại sao phụ nữ lại khóc Cuối cùng anh tìm đến một nhà hiền triết. Nghe hỏi, nhà hiền triết ôn tồn nói: Khi Thượng đế tạo ra phụ nữ, người phải làm cho họ thật đặc sắc. Người làm cho đôi vai họ cứng cáp để che chở được cả thế giới, đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương, và người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau. Người cho họ một sự dũng cảm để nuôi dưỡng và chǎm sóc gia đình, người thân, bạn bè ngay cả những lúc mọi người dường như buông trôi, và dù có nhọc nhằn đến mấy đi nữa họ cũng không bao giờ than thở?. Người cho họ tình cảm để họ yêu thương con cái ở mọi nghĩa trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ. Người cho họ sức mạnh để chǎm sóc người chồng của họ, tránh vấp ngã vì người tạo dựng họ từ những xương sườn của người đàn ông để bảo vệ trái tim anh ta?Người cho họ sự khôn ngoan để biết rằng một người chồng tốt sẽ không bao giờ làm tổn thương vợ mình, hiểu rõ sự chịu đựng của người phụ nữ và cô ta luôn thấp thoáng sau mỗi thành công của người chồng. Để làm được những việc chọc nhằn đó, người cũng cho họ giọt nước mắt để rơi, để họ sử dụng bất cứ lúc nào và đấy là điểm yếu duy nhất của họ. Khi con thấy họ khóc, hãy nói với họ con yêu họ biết bao. Và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên.
Một câu chuyện yêu đương
Chàng và nàng rất trẻ,họ mới lấy nhau được 2 năm. Chàng vốn theo nghề chụp hình,nhưng say mê văn chương. Ngày lại ngày chàng cặm cụi viết sách, tuy rằng sách của chàng nằm dưới lớp bụi trên kệ ở các cửa hàng sách. Chàng rất yêu và chiều theo ý nàng. Thế rồi 1 ngày nọ... - Nàng bảo chàng : "Anh đi chụp hình đám cưới con bạn em. Nó hứa trả công hậu đấy". - Chàng đáp :"Bữa đó anh có hẹn với 1 nhà xuất bản. Em nói với bạn em chịu khó mời người khác". - Nàng bĩu môi :"Anh bớt viết đi.Có ai đọc văn anh đâu". - Chàng đáp : "Rồi 1 ngày nào đó, người ta sẽ nhìn nhận những gì anh viết". - Nàng xì 1 tiếng :"Em chẳng quan tâm tới chuyện đó. Nhưng dứt khóat anh phải chụp hình đám cưới của bạn em". - Chàng : "Em nghĩ lại đi". Cuộc tranh luận của họ chấm dứt với lời tuyên chiến của nàng : "Cho anh 3 ngày để suy nghĩ, nếu không ..." Ngày thứ nhất. Nàng "đình công". Bếp núc nguội ngắt,tủ lạnh trống trơn. Quần áo dơ nằm chỏng trơ trong phòng tắm. Máy thu hình, máy tính, dàn hifi...bị nàng nhét xuống kho. Để tỏ lòng "nhân từ", nàng để lại chiếc giường đôi cho cả 2. Chàng vẫn chúi mũi vào những trang giấy viết dở. Trong túi chàng còn 1 ít tiền. Ngày thứ nhì. Nàng tiến hành lục soát và chỉ để lại cho chàng cái túi trống rỗng và mội mẩu giấy cảnh cáo : "Chớ có dại cầu viện từ bên ngoài, nếu ko hậu quả sẽ thê thảm hơn đó".Quả tình chàng đã lo lắng. Buổi tối,chàng năn nỉ nàng nhưng vô vọng. Nàng muốn chàng phải tuyệt đối tuân theo ý nàng. Đêm thứ ba. Chàng nằm quay mặt về một phía, nàng ngoảnh mặt nhìn sang phía khác. - Chàng : "Chúng ta cần nói chuyện...". - Nàng : "Trừ phi là chuyện chụp hình đám cưới...". - Chàng : "Chuyện rất quan trọng". - Nàng im lặng - Chàng : "Anh đã gặp một cô gái". Nàng kô tin vào tai mình. Nàng muốn vùng dậy tát cho chàng một cái, nhưng cố nén chờ chàng nói hết. Chàng rút từ trong ngực áo ,chỗ trái tim chàng, một tấm hình. Mắt nàng nhòe lệ nghĩ, sao hôm qua mình quên lục chỗ đó nhỉ. - Chàng : "Cô ấy rất đẹp và nhân hậu". Trái tim nàng tan nát khi biết rằng có tấm hình của 1 người con gái khác ở bên trái tim chàng. - Chàng:"Cô ấy hứa sẽ giúp anh thực hiện ước vọng văn chương". Nàng giật mình bởi trong quá khứ, chính nàng cũng đã từng hứa như vậy. - Chàng:"Cô ấy rất yêu anh". - Nàng ngồi bật dậy và quát to :"Bộ em ko yêu anh hay sao?". - Chàng:"Anh nghĩ là cô ấy sẽ ko ép anh phải làm những điều anh ko muốn". - Nàng giận lắm. Chàng chìa bức hình cho nàng:"Em có muốn biết mặt cô ấy ko?". Nàng hất mạnh tay chàng. Chàng thở dài cất tấm ảnh sau ngực áo. Nàng bật khóc. Chàng tắt đèn nằm xuống. Nàng chong đèn ngồi một mình. Chàng dường như ngủ say thở đều đều. Nàng thao thức. Nàng hối hận vì cách đối xử với chàng. Nàng sẽ ko bắt ép chàng phải nhất nhất theo ý mình.Nàng muốn đánh thức chàng và nói với chàng những lời thật âu yếm. Nhìn vào ngực áo chàng, nàng muốn biết cô gái kia ra sao.Nàng nhẹ nhàng đưa tay rút tấm ảnh.Chợt nàng bật cười rồi liền đó òa khóc. Người trong ảnh không ai khác chính là nàng.Nàng khẽ hôn lên má chàng đang giả vờ ngủ.
Trái tim hoàn hảo
Một chàng trai đứng giữa đám đông và tuyên bố rằng mình có trái tim đẹp nhất. Thật vậy, nó hồng hào, hoàn hảo đến mức không hề có một vết thâm hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý rằng đó là trái tim đẹp nhất họ từng thấy. Đúng lúc ấy, có một cụ già xuất hiện. Ông ngắm nghía trái tim của chàng thanh niên, rồi vừa từ từ mở khuy áo vừa nói chậm rãi: “Trái tim của tôi đẹp hơn của cậu nhiều!”. Mọi nguời nhìn trái tim ông lão: Nó dị dạng với những vết sẹo lồi lõm, chằng chịt, lại còn có cả những phần của quả tim như đã bị cắt đi, để lại những rãnh khuyết, lại có những mảnh tim to nhỏ khác nhau đuợc đắp vào vụng về làm cho nó càng trở nên sần sùi, lởm chởm. Những tiếng xì xào lan rộng trong đám đông. Nhiều nguời lắc đầu, tỏ ý chê cuời ông lão lẩm cẩm. Chàng trai cũng cuời: - Cụ đang đùa cháu, phải không ạ? Cụ ơi, cụ nhìn lại mà xem. Trái tim của cháu không có một khuyết điểm nào. Còn trái tim của cụ lại toàn là những mảnh chắp vá đầy sẹo! - Đúng! Có thể trái tim của tôi không hoàn hảo, nhưng nó đã sống hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những đuờng hằn này của trái tim! Đó chính là hình ảnh những nguời mà tôi yêu quý. Không chỉ là những cô gái đâu, cậu đừng cuời vội đó còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè, những nguời tôi gặp tình cờ... Tôi xé một mẩu tim của mình trao tặng họ, và họ trao lại cho tôi một mẩu tim của họ để đắp vào chỗ trống. Những mẩu tim đó không hoàn toàn giống nhau: Phần trái tim cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao cho hai Nguời, con gái tôi dành cho tôi phần trong trẻo nhất của trái tim nó, bạn đời tôi dành cho tôi phần đẹp nhất và chung thuỷ nhất của bà... Chúng ghép vào nhau tạo nên những vết sần sùi, những đuờng sẹo chằng chịt này. Nhưng tôi luôn nhắc nhở tôi nhớ đến những con nguời yêu dấu, những tình yêu tôi đuợc chia sẻ với cuộc đời... Còn tự hào vì chúng. Chúng những vết khuyết này là những phần trái tim tôi trao đi mà chưa đuợc nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu cũng chẳng cần sự đền đáp. Dù những vết khuyết này nhiều lúc làm tôi đau đớn nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi thêm khát khao cuộc sống, thêm vững tin để chờ đợi đến một ngày kia những khoảng trống ấy sẽ đuợc lắp đầy. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim tôi còn đập đến ngày nay. - Đám đông im phăng phắc. Chàng trai cũng lặng đi không nói. Anh quay nguời lau những giọt nuớc mắt vừa trào ra, rồi... xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình trao cho cụ già. Đáp lại, ông lão cũng xé một mẩu từ trái tim đầy thương tích của mình trao cho chàng trai - Hai phần này không thể đều nhau tất nhiên! Trên trái tim của chàng trai, giờ đây đã hằn lên một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhng chàng trai thấy hài lòng với trái tim “mới” của mình hơn bao giờ hết.
Tình yêu và đôi cánh
Ngày xưa có một cô gái sống cô đơn trong một ngôi nhà cạnh một cánh rừng. Hôm nọ, trong lúc dạo chơi cô bỗng thấy hai chú chim non mất mẹ đang thoi thóp trong tổ trên một chạc cây. Lập tức cô đem chúng về nuôi trong một cài lồng rất đẹp. Với sự chăm sóc chan chứa tình thương của cô, hai chú chim non ngày càng khoẻ mạnh và xinh đẹp. Mỗi sáng chúng cất tiếng líu lo để chào đón cô.Một ngày kia cô quên cài cửa lồng chim. Thế là một chú chim liền bay ra khỏi lồng, nhưng nó không bay đi ngay mà lại lượn vài vòng quanh cô như muốn chào cô lần cuối. Cô gái buồn bã nhìn theo. Cô không muốn phải rời xa nó.Cô không muốn tình yêu của cô bay mất, nên khi con chim bay thật gần cô liền với tay tóm lấy nó thật mạnh. Cô sung sướng và giữ chặt nó trong tay. Nhưng một lúc sau, cô cảm thấy con vật yêu quý bỗng trở nên mềm nhũn trong tay cô, Cô hoảng hốt xoè tay ra và bàng hoàng nhận thấy con chim đã khép mắt qua đời. Nó đã chết bởi chính tình yêu mà cô dành cho nó. Cô thẫn thờ nhìn con chim lẻ bạn còn lại trong lồng và bắt đầu mường tượng rằng nó cần có tự do bay vút lên bầu trời xanh thẳm.Cô liền tiến tới chiếc lồng và nhẹ nhàng tung chú chim vào không trung. Nó lượn quanh cô một vòng, hai vòng, rồi ba vòng. Cô đón nhận niềm vui của nó bằng ánh nhìn rạng rỡ và trìu mến.Những muộn phiền trước đó không còn nữa.Bỗng nhiên chú chim dịu dàng đáp đậu trên vai cô và hót vang những giai điệu mượt mà mà chưa bao giờ trong cuộc đời cô được thưởng thức.Qua tiếng hót diệu kỳ kia, cô chợt hiểu rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là khi ta nắm giữ nó thật chặt. Trái lại, để giữ mãi sự yêu thương thì ta phải ân cần trao cho tình yêu một đôi cánh tự do.
Ngụ ngôn về ngọn nến
Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt ở giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận thấy ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng. Mọi người đều trầm trồ : “Ồ, nến sáng quá, thật may mắn, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh. Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình : “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm. Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau : “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một lời đề nghị : “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu”. Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được một chiếc đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ. Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.
Thư của Thượng Đế gửi cho phụ nữ
Ta cho phép người đàn ông say giấc để anh ta không quấy rầy sự sáng tạo và để ta có thể kiên trì hoàn thiện vẻ ngoài của ngươi... Từ một mảnh xương, ta tạo ra ngươi. Ta chọn phần xương sườn, dùng bảo vệ cuộc đời người đàn ông, bảo vệ trái tim và lá phổi của anh ta, phần xương nâng đỡ anh ta - đúng nghĩa với điều ngươi phải làm. Ta tạo hình ra ngươi, một cách hoàn hảo và xinh đẹp. Đặc điểm của ngươi là một cái xương sườn, mạnh mẽ lẫn yếu đuối và mỏng manh. Ngươi phải bảo vệ phần mỏng manh nguyên thủy nhất trong người đàn ông - đó là trái tim anh ta. Trái tim là trung tâm của người đàn ông, lá phổi cho anh ta hơi thở. Khung xương sườn sẽ bị gẫy trước khi trái tim bị hủy hoại. Nâng đỡ người đàn ông như khung xương sườn nâng đỡ cơ thể. Ngươi không được lấy ra từ chân - phần ở dưới anh ta, ngươi không được lấy ra từ đầu - phần ở trên anh ta. Ngươi được lấy ra từ bên cạnh, để ngươi luôn bên cạnh và sát cánh với anh ta. Ngươi là thiên thần hoàn hảo của ta, cô gái nhỏ xinh đẹp của ta. Ngươi sẽ trở thành người phụ nữ lộng lẫy, thông minh. Đôi mắt ta sẽ nhìn thấy đức hạnh chứa đầy tim ngươi. Đôi mắt ngươi đẹp. Đôi môi ngươi sẽ đáng yêu làm sao khi nói những lời nguyện cầu. Lỗ mũi ngươi quá hoàn hảo. Đôi bàn tay ngươi thanh nhã để được chạm vào. Ngươi rất đặc biệt bởi ngươi là phần mở rộng của ta. Đàn ông tượng trưng cho vẻ ngoài của ta - đàn bà tượng trưng cho cảm xúc của ta. Cả hai tượng trưng cho toàn bộ Thượng đế. Vì thế, người đàn ông hãy cư xử tốt với người phụ nữ. Yêu cô ấy, tôn trọng cô ấy, bởi vì cô ấy mỏng manh. Làm tổn thương cô ấy, anh làm tổn thương ta. Làm đau đớn cô ấy, chính là anh đang hủy hoại trái tim mình, trái tim của cha anh, trái tim của cha cô ấy. Còn người đàn bà, hãy khiêm nhường cho anh ấy thấy quyền năng của cảm xúc ta đã cho ngươi. Trong sự điềm đạm nhã nhặn, hãy chứng tỏ sức mạnh của ngươi. Trong tình yêu, hãy cho anh ta thấy, ngươi là chiếc xương sườn bảo vệ phần bên trong của anh ta. Bạn đã thấy người phụ nữ đặc biệt đến thế nào trong mắt của Thượng đế chưa?
(sưu tầm)