23/12/08

Noël

GIỚI THIỆU VỀ NHỮNG BIỂU TƯỢNG CỦA LỄ GIÁNG SINH




Ông già Noël

Nguồn gốc của Ông Già Noël là một hình ảnh được tưởng tượng từ những lễ Ðông chí (ngày 21 tháng 12). Cái chụp của ống khói chứa đầy quà cáp - ban đầu là trái cây, tượng trưng cho sự đổi mới (renouveau) của Thiên nhiên. Ông Già Noël không có biên giới: Père Noël ở Pháp, Father Christmas Anh, Babbo Natale Ý, Weihnachtsmann Đức, Santa Claus Mỹ … Khi những người Hà Lan định cư bên Mỹ, tên Thánh Nicolas tiếng Hà Lan là Sinter Klass, trở thành Santa Claus. Ông Già Noël có nguồn gốc từ Thánh Nicolas: râu dài, áo choàng đó ngồi trên lưng con lừa. Theo thời gian, Ông Già Noël có hình dáng một ông già mập bụng tròn, tóc râu bạc trắng, cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu ( tuần lộc) bay trên không kéo. Tên “Ông Già Noël” có thể do biệt danh của Thánh Nicolas, thánh bổn mạng cho trẻ con, luôn luôn làm lễ ngày 6 tháng 12 ở miền Ðông Âu Châu, như Ðức.. Thánh Nicolas mang đến bánh, kẹo. Ông Già Noël cho những quà chắc chắc hơn. Có lúc người ta thử bỏ truyền thống này, nhưng không thành công


Cây thông Noël



Từ năm 1200 trước Công nguyên, người ta đã nói về một loại cây thông épicéa vào ngày 24 tháng 12, bởi vì người ta xem như ngày này là ngày tái sinh của Mặt trời. Dân tộc Celte dùng lịch theo chu kỳ Mặt trăng. Mỗi tháng của năm đều liên kết với một loại cây. Cây Epicea liên kết với ngày 24 tháng 12. Để làm lễ cho ngày Đông chí, một cây xanh tượng trưng cho sự sống được trang trí bởi hoa, quả và lúa mì. Năm 354, nhà Thờ làm lễ Giáng sinh đầu tiên cho Chúa Jésus, lấy ngày 25 tháng 12 để cạnh tranh với lễ đa thần trên Nếu Noël được phát minh vào ngày 25/12/354, thì Cây Noël được phát minh rất trễ sau này. Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ VII có một nhà tu người Đức, Thánh Boniface (sinh năm 680), muốn thuyết phục các tu sĩ Đức tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là một loài cây thiêng liêng. Ông đốn một cây sồi và khi cây ngã, nó đè tan nát hết tất cả mọi vật, trừ một cây thông non. Từ huyện thoại này, chuyện kể thêm rằng Thánh Boniface đã cho rằng sự ngẫu nhiên trong sáng đó là một phép lạ và tuyên bố “kể từ nay, ta gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jésus. Từ đó người ta trồng cây thông con để làm lễ Giáng sinh. Thế kỷ thứ XI, cây Noël được trang hoàng bằng những trái táo đỏ, tượng trưng cho cây thiên đàng, trên đó người ta treo trái táo của bà Eva. Bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, cây thông Noel được xuất hiện tại Âu Châu, nói chính xác hơn là vùng Alsace (Pháp). Người ta gọi “cây Noël” lần đầu tiên tại Alsace vào năm 1521. Thế kỷ thứ XIV, người ta trang trí cây thông bằng những trái táo của bà Eva, kẹo và bánh. Cũng vào thời kỳ đó, một ngôi sao trên đỉnh cây tượng trưng cho ngôi sao Bethleem bắt đầu được phổ biến. Từ năm 1560, những người theo đạo Tin Lành phát triển truyền thống cây thông Noël. Thế kỷ XII và XIII các cây thông chiếu sáng đầu tiên xuất hiện. Người ta dùng những vỏ trái hồ đào (noix) đựng đầy dầu, trên mặt để tim đèn, hay đèn sáp mềm, cột quanh cành thông. Năm 1738, Marie Leszczynska, vợ vua Louis XV nước Pháp, đã trang hoàng một cây Noël trong lâu đài Versailles. Tại Alsace-Lorraine, người ta thấy càng ngày càng nhiều cây thông, nơi đầu tiên có truyền thống này. Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy thường trang hoàng nhà cửa bằng cây xanh nhân dịp năm mới để xua đuổi ma quỉ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng Sinh. Năm 1837, bà công tước Orléans, Hélène de Mecklembourg, gốc người Đức cho người trang hoàng một cây thông tại điện Tuileries . Làm lễ Giáng sinh quanh một cái cây, biểu tượng của cây trên Thiên Ðàng và đủ loại kẹo đã trở thành một truyền thống nhanh chóng bên Ðức. Phải chờ đến gần một thế kỷ để truyền thống đó đến mọi gia đình người Pháp, nhất là sau chiến tranh 1870, có hàng ngàn gia đình người Alsace-Lorraine di cư qua Pháp. Chính nhờ thời kỳ đó mà cả nước Pháp thu nhập truyền thống này. Đầu thế kỷ thứ 19 Cây Noël được nhập vào nước Anh từ và rất được tán thưởng, nhờ ông hoàng Albert, chồng của Nữ hoàng Victoria. Vào thời đó, người ta gọi cây Noël là Victorian Tree. Cây Victorian Tree được trang trí bằng đèn sáp, kẹo, cùng các thứ bánh treo ở cành cây bằng dây giấy đủ màu. Cây Noël được thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ 19. Cây Noël cũng được những nước Áo, Thụy sĩ, Phần Lan, Hòa Lan, tán thưởng trong thời kỳ này. Hiện nay, khắp nơi trên thế giới đều tổ chức lễ Giáng sinh và trưng cây Noël. Giờ đây cây Noël là hạnh phúc của mọi người, từ trẻ con cho tới người già.

Ngôi sao Noël


Các ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện rực rỡ đủ mầu sắc trong mùa Giáng sinh, các nhà thờ đều có treo vô số ngôi sao 5 cánh. Một ngôi sao to lớn được treo ở chỗ cao nhất của tháp chuông nhà thờ. Từ đó căng giấy ra bốn phía, có nhiều ngôi sao nhỏ, treo đèn lồng và kết hoa rất đẹp mắt. Ngôi sao trong lễ Giáng Sinh có ý nghĩa đặc biệt, theo tương truyền lúc Chúa vừa chào đời thì trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ . Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía Đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ gọi là lễ ba vua. Từ đó ba vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được hang đá thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các phẩm vật trầm hương và châu báu vàng bạc. Ngôi sao trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh và được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng Sinh để nhớ đến sự tích trên. Do ý nghĩa ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng Đế

Lễ Noël


Chữ Giáng sinh nguồn gốc từ chữ natalis, nghĩa là ngày sinh ra đời. Đặc biệt là hồi mới có Thiên chúa giáo, không có Noël. Thật vậy, Thánh kinh không nói rõ ngày Giáng sinh. Có vài Giáo hoàng định ngày sinh của Chúa Jésus khoảng tháng 3 hay tháng 4. Noël được phát minh năm 354 khi Giáo hoàng Liberus muốn biến đổi cách tôn thờ Thần Mithras mà người ta sùng bái mỗi lần Ðông chí dưới dạng một bé sơ sinh, được thay thế bởi sự sinh ra đời của Chúa Jésus. Ðể tránh nhầm lẫn, ông đã lấy ngày 25 tháng 12 cho lễ này.
(nguồn: Tổng hợp)

16/12/08

Cảm thức thời gian


Trong cuộc sống bộn bề, có một ngày ta bất chợt nghĩ về thứ vẫn luôn hiển hiện bên ta, đó là “thời gian”.
Thời gian có hình thù gì nhỉ, ta không hề thấy! Chỉ biết rằng có cái gì đó đã làm cho những chiếc lá từ chồi nhú trở nên xanh tươi, rồi từ xanh tươi trở nên vàng vọt, héo rụng. Thời gian có âm thanh không nhỉ, ta không hề nghe thấy! Chỉ biết rằng có cái gì đó đã làm lòng ta ngân lên những cung bậc hạnh phúc và cả những tiếng nấc lòng bi ai. Hàng ngày ta vẫn bước cùng những “bước đi” của nó, sống cùng sự sống trường tồn của nó…, nhưng ta đâu hề hay biết! Phải đến khi có một thứ gì làm ta lâng lâng hạnh phúc, có một thứ gì làm ta đau đớn quặn thắt, ta mới tự hỏi nguồn cơn của nó? Và hôm nay ta đã có câu trả lời, là… thời gian!
Thời gian cho ta những tháng ngày hạnh phúc. Ở đó, ta thấy gương
mặt của những người thân yêu của ta, của không khí ấm cúng bên mâm cơm ngày Tết, của những tiếng cười giòn tan của lũ bạn ta thời trung học, của con đê gầy mỗi lần ta về thăm quê, của những phút giây êm đềm bên người ta yêu, của tình cảm nồng ấm thầy cô ta giành cho ta, của những tiếng học trò dí dỏm, huyên náo bên ta, của những người bạn tốt bụng và ân nghĩa, của những thành công mỗi lần ta đạt được… Thời gian chẳng cần dụng công, nhưng vẫn đủ tạc vào lòng ta những miền nhớ, pho kỷ niệm. Ta lớn lên trong thời gian và được gọt mài cùng thời gian. Qua thời gian, ta trở thành ta của yêu thương dâng tràn, của hạnh phúc trào sôi. Ta không sợ ta lẻ loi, vì thời gian không ngừng ban cho ta những người bạn tốt; ta không sợ ta chán chường, vì thời gian cho ta đầy ắp niềm hy vọng. Với thời gian, ta biết được ngày hôm qua ta đã có được gì, để rồi ta sống mãnh liệt ở ngày hôm nay và chờ đợi những ngày hạnh phúc sắp đến. Thời gian với ta là tài sản, bởi trong thời gian ta có những di sản. Vì lẽ đó, ta tôn thờ thời gian, ta nâng niu thời gian, ta muốn “thời gian của ta” sẽ mãi luôn ở bên ta.
Song thời gian đâu có đơn thuần như vậy, thời gian cho ta cái gì thì cũng lấy đi của ta những cái tương tự. Ta của ta bỗng cô đơn khi ta không còn được là ta của lớp học ngày nào. Ta của ta bỗng nhớ nhung đến cồn cào khi phải chia biệt người yêu. Ta của ta bỗng se sắt lòng khi nhìn thấy tóc ông
bà ta bạc thêm, da thêm nhăn nheo; khi ta nhìn thấy bố mẹ ta chẳng thể trẻ mãi cùng ta. Ta của ta quặn thắt khi có một ngày trên đầu ta có thêm vành khăn trắng; khi có một ngày ta phải nói lời vĩnh biệt với người ta hằng yêu quý… Thế là, thời gian có cả vị đắng- thứ vị đắng mà chẳng ai muốn thử; thứ vị đắng mà mỗi lần nuốt phải, ta đều cảm thấy uất nghẹn, xót xa. Và hơn hết, thứ vị đắng này cũng đeo đẳng bên ta như những vị ngọt hằng ở bên ta.
Và như vậy, dù muốn hay không ta đã và mãi là nô lệ của cái thứ mà ta vừa muốn níu giữ nó, vừa muốn lánh xa nó. Nhưng ta của ta ích kỷ chỉ cầu xin một điều rằng: thời gian ơi, hãy mãi là cái mà ta muốn níu giữ và hãy đừng là cái mà ta muốn lánh xa. Hãy ban cho ta đặc ân đó nhé, thời gian!

(Thanh Hai)

12/12/08

Chùm ảnh về "tình yêu"

Xin gửi tới các bạn chùm ảnh do mình sưu tầm được về chủ đề “tình yêu”. Những bức ảnh này tuy không có âm thanh, không có cử động, nhưng chứa đựng những sắc thái, cung bậc khác nhau của tình yêu.